|
Ảnh: Bloomberg |
Bloomberg trích nhận định của Kung Ming-hsin, người chuyên trách các vấn đề kinh tế của Đài Loan, cho hay quyết định tăng thuế lên 200 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước sẽ thuyết phục bất cứ hãng Đài Loan nào còn chần chừ chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Kung, sau Đài Loan thì Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến ưa chuộng của các hãng điện tử xứ Đài. “Các doanh nghiệp Đài Loan có thể đưa sản xuất linh kiện quan trọng, giá trị cao về nhà, song việc lắp ráp và sản xuất hàng loạt thiết bị sẽ đến Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á biết rằng họ có cơ hội”, ông Kung chia sẻ.
Các hãng quốc tế lớn như Apple và Dell Technologies từ lâu phụ thuộc vào lực lượng lao động khủng và năng lực sản xuất của Trung Quốc để lắp ráp mọi thứ, từ iPhone cho đến máy vi tính. Giờ đây, mối đe dọa thuế quan của Mỹ lên cao, cáo buộc gián điệp phần cứng và nền kinh tế Đông Nam Á đi lên là ba yếu tố khuyến khích giới doanh nghiệp công nghệ cân nhắc dịch chuyển sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Đài Loan là cái tên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này. Từ đầu năm đến nay, 52 doanh nghiệp địa phương cam kết rót khoảng 9 tỉ USD vào vùng lãnh thổ. Đây là một phần của chương trình mà chính quyền đưa ra nhằm thuyết phục giới doanh nghiệp xứ Đài có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc về bớt lại quê nhà.
Dù có rất ít khả năng Trung Quốc bị soán ngôi nhà máy sản xuất điện tử của thế giới, xu hướng này vẫn đang gia tăng khi Mỹ, Trung Quốc căng thẳng chính trị, thương mại và công nghệ. Theo ông Kung, việc chia tách chuỗi sản xuất toàn cầu đang đi từ một trung tâm là Trung Quốc sang nhiều hệ thống đa hướng. Trong hệ thống này, sản xuất ở Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn trong khi sản xuất ở các nước khác sẽ để dành để phục vụ thị trường Mỹ và thị trường khác ngoài Trung Quốc.