Theo Nghiên cứu về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu của BSA, tổng giá trị thương mại toàn cầu của các phần mềm bị vi phạm bản quyền đã tăng từ 58,8 tỉ USD năm 2010 lên 63,4 tỉ USD năm 2011. Trong số những người được điều tra, một số người sử dụng đầu cuối cho biết họ sử dụng phần mềm không có bản quyền toàn bộ hoặc phần lớn thời gian. Một bộ phận người dùng máy tính khác cho biết họ thỉnh thoảng mới sử dụng phần mềm không có bản quyền hoặc ít khi làm việc này.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã liên tiếp giảm từ 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010 và 81% năm 2011. |
Nghiên cứu của BSA cũng cho thấy, năm 2011, Việt Nam có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính là 81%, giảm 2% trong hai năm liên tiếp, so với mức 83% năm 2010 và 85% năm 2009. Giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền là 395 triệu USD, giảm 4% so với năm trước.
Ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp phụ trách Phòng chống Vi phạm bản quyền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của BSA cho biết: “Những kết quả tích cực của việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm này là bằng chứng cho thấy những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, và Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống ngang bằng với tỉ lệ của khu vực hay thế giới là 60% và 42%. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng”.
BSA hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước liên quan trong Chương trình Hợp tác Bảo vệ Bản quyền Phần mềm, được thành lập từ năm 2008, nhằm giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Nhiều chiến dịch tuyên truyền và hội thảo về quản lý tài sản phần mềm (QLTSPM) đã được tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp bán lẻ các sản phẩm CNTT và các cơ sở giáo dục. Các chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm của chính phủ cũng là điểm nhấn trong số những sáng kiến được thực hiện nhằm giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Máy tính Lạc Việt nói: “Nếu 81% người tiêu dùng thừa nhận có hàng hoá bị ăn cắp, dù chỉ là đôi khi, thì chính quyền cũng sẽ phản ứng bằng cách tăng cường lực lượng cảnh sát kiểm tra, xử phạt. Nạn ăn cắp bản quyền phần mềm cũng đòi hỏi phải có phản ứng tương tự: tăng cường tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh công tác thực thi. Là đại diện cho ngành công nghiệp phần mềm trong nước, nơi chúng tôi đầu tư hàng triệu đôla vào việc phát triển các giải pháp phần mềm hàng đầu, thì chúng tôi cần tới mọi sự hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm có được một tương lai sáng lạn hơn cho chính chúng tôi”.
36% số người thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được khảo sát cho biết đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp “mọi lúc”, “phần lớn thời gian” hay “thỉnh thoảng”, và 27% số khác cho biết “ít khi” sử dụng. Nghiên cứu cũng cho biết những đối tượng thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu là nam giới, trong đó 32% ở độ tuổi 18-24.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của BSA, ông Robert Holleyman, cho biết: “Nạn vi phạm bản quyền phần mềm tồn tại dai dẳng, làm hao mòn nền kinh tế toàn cầu, sự sáng tạo của ngành CNTT và khả năng tạo việc làm. Các chính phủ phải có hành động trong việc hiện đại hóa hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ và tăng cường công tác thực thi để bảo đảm những đối tượng vi phạm bản quyền phần mềm phải nhận những hậu quả thực sự cho những hành vi vi phạm của mình.”
Theo ictnews