Sự khắc nghiệt trong nhà máy sản xuất iPhone và iPad

Thứ tư, 16/05/2012, 12:31
Mỗi khi một phiên bản íPad mới ra đời, nó khiến cho giới công nghệ gặp ít nhiều “chao đảo”. Màn hình Retina sắc nét, bộ vi xử lý A5X với chip đồ họa 4 nhân mạnh mẽ cùng kết nối LTE 4G được lắp ráp với nhau để tạo nên một sản phẩm máy tính bảng tiên tiến nhất hiện nay. Nhưng những người công nhân sản xuất ra một chiếc iPad như thế có thực sự cảm thấy thoải mái với môi trường làm việc của mình không?
>>7 lý do Apple đáng bị ghét bỏ 

 
 
Theo ý kiến từ một công nhân ở nhà máy Foxconn (nơi chuyên lắp ráp các thiết bị của Apple) thì sản xuất iPad đỡ vất vả hơn iPhone 4S nhiều. Để biết thực hư về quá trình ra đời của iPhone, iPad như thế nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện sau đây.
 
Dây chuyền lắp ráp new iPad
 
Li Qi (tên thật đã được thay đổi) làm việc trong một xưởng sản xuất tập trung ở nhà máy Foxconn tại tỉnh Thâm Quyến, Trung Quốc. Anh từng tham gia vào quá trình sản xuất iPad 2 và iPhone 4S. Từ đầu năm nay, Foxconn bắt đầu sản xuất new iPad hàng loạt và được chuyên môn hóa theo từng dây chuyền lắp ráp. Li Qi cho biết, ban đầu dây chuyền sản xuất được 100 chiếc trong 1 giờ. Nhưng sau dịp kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày của Trung Quốc, công suất sản xuất new iPad đã tăng lên với 150 sản phẩm mỗi giờ, tức tăng 50% so với công suất ban đầu.
 
 
Để sản xuất một chiếc iPad, các công nhân ở trong xưởng phải thực hiện vô số các công đoạn như: Lắp ráp, thử nghiệm sản phẩm hay đóng gói. Cũng giống như những công nhân khác, công việc hàng ngày của Qi là lắp rắp các nút vật lý (nút home, nút chỉnh âm lượng) và cổng kết nối vào trong iPad. Các công nhân ở các tầng khác nhau sẽ có những công việc riêng biệt: người thì chuyên lắp ráp từ các linh kiện riêng biệt, người thì đóng gói kho vận, người thì chịu trách nhiệm về kho dự trữ. Có tận 30 dây chuyền sản xuất khác nhau được huy động để sản xuất một chiếc iPad.
 
Nói về điều kiện làm việc anh cho biết: Các dây chuyền sản xuất được quản lý rất nghiêm khắc, người lao động phải mặc quần áo chống tĩnh điện ở khu vực làm việc, đi qua cửa an ninh. Giám sát viên thì phải nói liên tục và nói nhiều hơn bất cứ bộ phận sản xuất nào khác. Các công nhân phải giữ im lặng tuyệt đối, họ bị cấm nói chuyện trong giờ cũng như luôn phải làm việc nghiêm túc, không được tỏ ra lười biếng.
 
 
Những ngày vất vả trên dây chuyền sản xuất iPhone 4S
 
Vào tháng 5 năm ngoái, Qi đã làm việc cho nhà máy sản xuất iPhone 4S. Ban đầu anh làm việc trong dây chuyền lắp ráp iPad nhưng sau đó lại bị điều chuyển sang làm iPhone trong kế hoạch điều chỉnh sản xuất của Foxconn xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ iPhone 4S quá lớn trên thị trường. Để đáp ứng được nhu cầu đó, Foxconn đã phải chuyển bớt các công nhân sản xuất iPad sang hỗ trợ cho dây chuyền iPhone.
 
 
Trước đó, Qi đã từng nghĩ rằng việc mình chuyển sang làm ở dây chuyền sản xuất iPhone sẽ có nhiều lợi ích hơn như được tăng lương hay có thêm các điều kiện làm việc khác tốt hơn. Anh thấy rất hồi hộp vì sắp được cảm nhận thực sự chiếc iPhone của Apple, smartphone sành điệu và nổi tiếng trên khắp toàn cầu. Trước đó Qi cũng từng làm việc cho nhà máy của Nokia nên anh càng tò mò muốn biết được quá trình sản xuất ra iPhone thực tế như thế nào. Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc, Qi đã nhầm, nó thực sự rất khắc nghiệt.
 
 
Có một sự khác biệt rất lớn khi làm việc ở dây chuyền sản xuất iPhone và các xưởng sản xuất iPad. Sản xuất iPhone vất vả hơn iPad rất nhiều, các công nhân phải liên tục làm tăng ca, họ thức dậy trước 6 giờ và có mặt ở xưởng làm việc lúc 7 giờ. Qi thường làm 2 ca một ngày, ca đầu tiền sẽ làm 3 tiếng buổi sáng còn ca hai sẽ làm trong khoảng 4 đến 6 tiếng buổi chiều. Họ chỉ có 10 phút nghỉ giải lao ở giữa hai ca làm việc trong khi đối với dây chuyền iPad thì anh được phép nghỉ giải lao từ 2 đến 3 lần (mỗi lần khoảng 10 phút) trong một ngày làm việc. Sau khi đã từng làm việc ở cả hai dây chuyền sản xuất iPhone và iPad, anh đã kết luận rằng sản xuất iPad “dễ thở” hơn iPhone rất nhiều.
 
Công nhân của Foxconn tranh thủ ăn khuya trước ca làm đêm.
 
Mong muốn của công nhân Foxconn
 
Lúc đầu, Li Qi đã quá mơ mộng về iPhone, cái mà anh hình dung đó là chiếc smartphone tốt nhất thế giới. Nhưng trải qua một thời gian anh đã phải suy nghĩ lại. Sau đây là những dòng trích trong nhật kí của Qi: “Hôm nay, mình cảm thấy thật thất vọng. Làm việc ở xưởng lắp ráp iPhone thực sự rất vất vả. Nếu như làm ở nhà máy iPad cứ mỗi 6 ngày làm việc thì mình sẽ có 1 ngày nghỉ. Nhưng gần đây, mình lại phải làm tới tận 80 giờ mỗi tháng. Lúc mới bắt đầu công việc lương của mình là 900 tệ (tương đương 143 USD) và bây giờ khi đã trở thành một công nhân lành nghề lương mới chỉ được tăng lên thành 2350 tệ  (tương đương 372 USD). Tính cả lương ngoài giờ nữa thì cũng được 3,500 tệ (tương đương 555 USD). Làm việc quần quật trong một tháng cũng chỉ đủ để mua một chiếc iPad thôi sao“.
 
 
Theo những gì Qi chia sẻ thì dường như công nhân nhà máy iPad được nghỉ ngơi nhiều hơn so với công nhân tại dây chuyền sản xuất iPhone. Kể từ tháng 3 đến nay, Qi và đồng nghiệp của anh sẽ được nghỉ khoảng 3 ngày ở nhà máy sản xuất new iPad. Trong khi bây giờ anh chỉ được nghỉ 1 đến 2 ngày mỗi tháng khi làm việc cho xưởng lắp ráp iPhone 4S. Tại đây, Qi thường phải làm việc từ sáng sớm đến tận 8 giờ tối. Sau khi kết thúc giai đoạn hỗ trợ sản xuất iPhone, Qi lại bị chuyển về với xưởng lắp ráp iPad và anh cảm thấy đó là một điều may mắn.
 
Qi đã cảm thấy vui mừng hơn nhưng trong anh cũng xuất hiện những mối lo lắng khi nhìn vào báo cáo doanh số bán hàng của new iPad. Là một công nhân lắp ráp, anh nghĩ rằng sản phẩm này có bề ngoài tương tự như iPad 2, khác ở chỗ là nó sở hữu nhiều tính năng mạnh mẽ hơn. Điều anh băn khoăn bây giờ là nếu doanh số của new iPad không tăng rất có thể Qi sẽ lại bị chuyển sang hỗ trợ dây chuyền sản xuất iPhone một lần nữa và đó là điều mà anh không hề muốn trải qua.
 
Kết
 
Điều kiện làm việc của các công nhân sản xuất iPhone hay iPad không hề có liên quan gì đến Apple. "Nhà táo" cũng không thể kiểm soát được Foxconn có cho phép các công nhân của họ nghỉ ngơi hay không. Chỉ có một điều họ quan tâm tới đó là các dây chuyền sản xuất có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng hay không mà thôi. 

Về phía Foxconn, họ cho rằng điều kiện làm việc của các công nhân sản xuất iPhone và iPad còn phụ thuộc vào cuộc đàm phán giữa hai bên để đi đến thống nhất chung. Foxconn hay bất cứ các nhà máy sản xuất theo hợp đồng nào khác cũng đều phải cố gắng sản xuất đủ nhanh và đủ số lượng thiết bị như đơn đặt hàng đã ký, đó thực sự là điều không dễ dàng nhất là khi nhu cầu cho các sản phẩm của iPhone và iPad là cực lớn. Chừng nào người dùng còn chạy theo cơn sốt Apple thì tình trạng làm việc căng thằng vẫn còn tiếp tục tại các nhà máy sản xuất của Foxconn.
 

 
Theo Genk

Các tin cũ hơn