Số lượng người sử dụng điện thoại đang ngày một gia tăng đang khiến cho căn bệnh nghiện điện thoại di động ngày một trở nên phổ biến. Căn bệnh này đã được các nhà nghiên cứu đặt tên Nomophobia, nó là viết tắt của cụm từ "No mobile phone phobia" (Tạm dịch: Chứng sợ hãi khi không được cầm vào điện thoại).
Theo một điều tra của công ty nghiên cứu công nghệ di động SecurEnvoy, có tới 66% số người được hỏi cho biết họ mắc phải căn bệnh này, tăng 13% so với kết quả nghiên cứu cách đây 4 năm (53%).
Trước thực trạng này, tiến sỹ Mitch Spero chuyên gia nghiên cứu tâm lý học trẻ em và gia đình tại Broward County, Florida (Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo: “Điện thoại di động là công cụ nên được dùng để cải thiện cuộc sống, chứ không phải là cách để chúng ta hủy hoại những kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh”.
Nghiên cứu của SecurEnvoy cũng cho thấy, trung bình một người sử dụng điện thoại di động sẽ kiểm tra điện thoại của mình 34 lần mỗi ngày. Cá biệt hơn là trường hợp của một người phụ nữ có tên Karla Campos sống tại Pembroke Pines. Bà kiểm tra điện thoại của mình tới 50 lần mỗi ngày, thậm chí là bà còn mang theo điện thoại khi lên giường đi ngủ. Bà cho hay: “Trước khi đi ngủ, tôi hay để điện thoại ở dưới gối”.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của SecurEnvoy còn chỉ ra rằng có tới 75% số người được hỏi thường xuyên dùng điện thoại trong phòng tắm. Scott Miller-Farrugia sống tại Coral Springs là một ví dụ điển hình, anh thường xuyên mạng điện thoại vào nhà tắm. Vợ của anh cũng là một người nghiện điện thoại nặng, cô ấy đã tự đặt biệt danh cho mình là Celly. Celly cho hay: “Bất kể là đi đâu, tôi luôn mang theo điện thoại”, cô luôn mang điện thoại vào phòng tắm phòng khi điện thoại đổ chuông.
Ở một số người, căn bệnh nghiện điện thoại đã trở nên trầm trọng, đơn cử như trường hợp của Karla Campos. Bà thậm chí còn dùng điện thoại để nói chuyện với con trai ngay cả khi hai người đang ở cạnh nhau. Bà kể lại:“Con trai tôi không nói chuyện với tôi. Tôi thấy nó đi ngang qua và chỉ nói “Chào mẹ”. Vì thế tôi đã quyết định sẽ nói chuyện với nó qua điện thoại hoặc Facebook”. Karla Campos cho rằng bất kỳ hình thức liên lạc nào cũng tốt hơn là không nói gì, và tin chắc điện thoại di động đã giúp kết nối gia đình mình.
Thế nhưng tiến sỹ Sepro lại không đồng ý như vậy: “Lời khuyên của tôi là giữ điện thoại bên mình phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng khi bạn ở cạnh người khác hãy trực tiếp nói chuyện và dành thời gian cho họ”.
Cũng theo kết quả nghiên cứu thì những người càng trẻ tuổi càng có khả năng mắc phải Nomophobia và tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn ở đàn ông. Nghiên cứu đã đưa ra một số triệu chứng của Nomophobia để mọi người có thể kiểm tra. Đó là những triệu chứng như liên tục kiểm tra điện thoại, không ngừng lo lắng về việc không có điện thoại bên mình và không bao giờ muốn tắt điện thoại.