Chiêu độc của Zuckerberg

Thứ hai, 06/05/2013, 21:31
Với Facebook Home, Zuckerberg đã nhanh hơn Google một bước trên thị trường quảng cáo trên di động.

Facebook Home được xem là cú đấm bất ngờ từ Mark Zuckerberg nhắm thẳng vào hoạt động quảng cáo trên thiết bị di động. Lâu nay, đây là sân chơi với ưu thế thuộc về Google nhờ vào sự phổ biến của hệ điều hành di động Android. Năm 2012, tập đoàn Tư vấn Gartner (Mỹ) thống kê rằng hơn 50% các thiết bị di động được bán ra trên toàn thế giới đều sử dụng hệ điều hành của Google.

Nhờ hệ điều hành này, Google có thể dễ dàng đưa quảng cáo đến với người dùng thông qua các ứng dụng được cài đặt sẵn như Google Search, Google Maps, Google Play hay YouTube.

Hãng Nghiên cứu eMarketer (Mỹ) dự báo rằng Google sẽ thu về khoảng 3,9 tỉ trên tổng số 7,29 tỉ USD doanh thu từ mảng kinh doanh nói trên trong năm 2013 riêng tại thị trường Mỹ. Còn Facebook vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ hai với doanh thu 965 triệu USD.

Mark Zuckerberg
Hệ điều hành mã nguồn mở của Google là thế mạnh nhưng cũng là điểm yếu đã bị Facebook tận dụng.

Hoạt động quảng cáo trên di động của Facebook từ trước đến nay chỉ gói gọn trong các ứng dụng Facebook được phát triển riêng cho Android, iOS (Apple) và một số hệ điều hành khác. Chính vì người dùng chỉ có thể thấy được quảng cáo từ Facebook mỗi khi họ dùng những ứng dụng này trên thiết bị của mình, doanh thu từ mảng di động của Facebook bị Google bỏ xa.

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ thay đổi nếu như nước cờ mới của Zuckerberg thành công. Ngày 12/4, ông chủ Facebook đã trình làng một ứng dụng hoàn toàn miễn phí mang tên Facebook Home được cho là sẽ biến mọi thiết bị di động đang chạy hệ điều hành của Google trở thành điện thoại của Facebook.

Tuy được gọi là ứng dụng, nhưng Facebook Home lại hoạt động như một hệ điều hành và cung cấp cho người dùng hàng loạt ứng dụng mới. Bộ ứng dụng này hoàn toàn có thể thay thế cho những ứng dụng sẵn có của Google và còn có thể tích hợp sâu vào hệ thống của thiết bị di động, cho phép hiển thị nhiều nội dung từ Facebook hơn (được dự báo trong tương lai sẽ có thêm quảng cáo).

Nạn nhân đầu tiên của Facebook Home là ứng dụng Google Search. Trong cơ cấu doanh thu quảng cáo di động của Google, nguồn thu từ những quảng cáo xuất hiện khi người dùng tìm kiếm thông tin luôn chiếm tỉ trọng rất cao.

Vì vậy, trên các thiết bị Android truyền thống, ứng dụng Google Search được Google đặt trang trọng ngay màn hình nền để người dùng có thể nhanh chóng sử dụng. Còn trên các thiết bị cài đặt bản Facebook Home tải về miễn phí từ Google Play, Google Search sẽ tự động biến mất khỏi màn hình nền để nhường chỗ cho những nội dung từ Facebook.

Kế đến, tại sao người dùng phải chọn Google Talk hay Google Voice (2 ứng dụng trò chuyện được cài đặt sẵn trên hệ điều hành của Google) trong khi họ có thể gửi tin nhắn cho bạn bè trực tiếp qua Facebook ngay trên màn hình nền. Và điều gì sẽ xảy ra khi Facebook bắt đầu cập nhật tính năng tìm kiếm Graph Search của họ vào màn hình nền Facebook Home để tiến đến thay thế hoàn toàn cho Google Search?

Trong bối cảnh đó, phản hồi của Google về sự ra đời của Facebook Home vẫn là khá ngoại giao. Tạp chí Công nghệ VentureBeat (Mỹ) dẫn lời đại diện của Google nhận định rằng Facebook Home là minh chứng mới nhất cho sự phóng khoáng và uyển chuyển của Android, yếu tố đã tạo nên thành công cho hệ điều hành mở này.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý là vào thời điểm Google phát ngôn, Facebook vẫn chưa thay thế Google Search bằng Graph Search, Gmail bằng Facebook Messages hay Google Play bằng App Center, điều mà họ hoàn toàn có khả năng thực hiện trong những lần cập nhật kế tiếp của Facebook Home.

Hệ điều hành mã nguồn mở của Google tuy là thế mạnh nhưng đồng thời cũng là điểm yếu đã bị Facebook tận dụng. Google sẽ không thể gây khó dễ hoặc chủ động ngăn chặn người dùng sử dụng Facebook Home trên các thiết bị Android được, bởi vì điều đó sẽ đi ngược lại với tôn chỉ mà họ đã theo đuổi từ những ngày đầu thành lập.

Vậy Google có thể làm gì để phản công lại nước cờ độc này của Facebook?

Trên thực tế, bản thân Google trước đây cũng đã từng cạnh tranh giống như Facebook hiện nay. Đầu những năm 2000, Google khi đó mới chỉ được biết đến như là một cỗ máy tìm kiếm đơn thuần. Để mở rộng sự hiện diện của mình, họ đã phát triển một công cụ mang tên Google Toolbar có thể cài vào trình duyệt web nổi tiếng lúc bấy giờ là Internet Explorer của Microsoft.

Công cụ này cho phép người dùng sử dụng những dịch vụ của Google một cách nhanh chóng ngay trên nền tảng của Microsoft, khi đó vẫn đang dẫn đầu lĩnh vực tìm kiếm với MSN Search. Chính Google Toolbar đã giúp xây dựng nên tên tuổi của Google, đồng thời góp phần khiến cho MSN Search đánh mất vị thế trên thị trường.

Dù thành công là vậy, nhưng Google vẫn luôn tìm cách để vượt lên chính họ. Do công cụ Google Toolbar vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào trình duyệt web của các hãng khác khiến cho việc cập nhật tính năng mới luôn bị động, Google quyết định tự phát triển cho riêng mình một trình duyệt web hoàn toàn mới mang tên Google Chrome.

Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng trình duyệt web của Google hiện đứng thứ ba trên thị trường và luôn được người dùng nhớ đến nhờ tốc độ truy cập nhanh cũng như khả năng bảo mật tốt.

Cuộc chiến giữa 2 ông lớn công nghệ đang đi đến hồi gay cấn khi mà Zuckerberg đã gần đụng vào nồi cơm của Google. Tuy nhiên, đã từng phải bám đuôi và theo sau các đối thủ mạnh nên chắc chắn Google cũng đã sở hữu trong tay không ít tuyệt kỹ. Hãy cùng chờ xem liệu họ sẽ dùng bí kíp nào để tiếp chiêu lần này. 

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn