Mặc dù 7h sáng ngày hôm sau thi môn đầu tiên nhưng 22h hôm trước N.T.H (ĐH Thương Mại, HN) vẫn trưng status trên Facebook: “Sáng mai thi nhưng cứ cầm quyển sách lên lại buồn ngủ. 10’ lại phải vào Facebook like comment một lần, ai cắt cơn cho em với, huhu”.
N.T.H không phải là trường hợp duy nhất mắc hội chứng nghiện mạng xã hội. Sức hấp dẫn từ tính tương tác của mạng xã hội là điều không thể chối từ. Với hàng loạt các tiện ích như chia sẻ ảnh, viết nhật kí, chia sẻ đường link, khả năng kết nối rộng lớn,… các trang mạng xã hội đã nhanh chóng khiến cho giới trẻ ham mê. Nhiều bạn đốt không ít thời gian vào việc comment, up album ảnh mới trên “nhà” mình.
P.T.T (trường Trung cấp Dược HN) kể mỗi lần up một bộ ảnh mới lên Facebook, sáng hôm sau tỉnh dậy việc đầu tiên P.T.T làm là online Facebook trên điện thoại để xem có bao nhiêu người like ảnh. “Nếu không vào được em cảm thấy bứt rứt, khó chịu, mà đã vào Facebook là khó thoát ra lắm. Em thích xem ảnh, cứ vào hết nhà này đến nhà khác xem các bạn có up ảnh mới lên không”.
Việc nghiện mạng xã hội sẽ khiến bạn bị tiêu tốn khá nhiều quỹ thời gian cho học tập và công việc. Lâu dần điều đó có thể khiến cho các mối quan hệ xã hội của bạn trở nên lỏng lẻo hơn vì thiếu đi những gặp gỡ, tương tác trực tiếp. Đặc biệt với các bạn đang trong mùa thi, thời gian để ôn bài sẽ bị lấy đi đáng kể.
PGS.TS.Bùi Thế Duy, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Nghiện truy cập Internet có thể phá hỏng các mối quan hệ cũng như não bộ của thanh thiếu niên. Trong một vài năm qua không ít nhà khoa học lên tiếng cảnh báo thanh thiếu niên đang tiêu tốn quá nhiều thời gian vào Internet, và việc giao tiếp xã hội ảo có thể kéo dài, tác hại tận đến lúc trưởng thành.
Theo giáo sư Jerald Block của ĐH Khoa học và Y tế Oregon, bốn triệu chứng nghiện Internet chính là: quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới; biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội”.
Vào mùa thi, bạn nên tắt chức năng thông báo có comment mới trên các trang mạng xã hội vào email. Tránh nhấn like hoặc bình luận khi có bài viết mới trên tường nhà của bạn bè, nếu không bạn rất dễ tốn thời gian ngồi chờ đợi bình luận phản hồi của người khác.
Tạm thời xóa đi các trình duyệt hỗ trợ vào các trang mạng xã hội. Nếu bạn có thói quen liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội thì hãy thông báo với mọi người tạm thời gọi điện, nhắn tin vào di động cho bạn.
Học ôn ở thư viện hoặc phòng tự học ở trường…, những nơi đòi hỏi tính nghiêm túc và tập trung cao, tránh sử dụng đến máy tính và Internet khi không cần thiết.
Nhờ bố mẹ hoặc người yêu, bạn bè thỉnh thoảng hỏi thăm, nhắc nhở bạn về tiến độ ôn thi. Bạn có thể đi dạo, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè,… khi cảm thấy ôn thi mệt mỏi, những hoạt động đó sẽ giúp bạn không bị lệ thuộc vào thế giới ảo. Điều quan trọng nhất là sự tự giác của bạn.
Không những giảm cơn nghiện Inernet trong mùa thi, bạn cũng cần có sự cân bằng giữa những nhu cầu phát triển khác trong cuộc sống với nhu cầu sử dụng Internet. “Tạo các sân chơi thực để đem đến những đam mê khác lành mạnh trong cuộc sống cho thanh thiếu niên”, PGS.TS.Bùi Thế Duy chia sẻ quan điểm về cách thức giảm thiểu hội chứng nghiện Internet trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.