Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Hoàng Khương: “Không dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”

Thứ hai, 17/09/2012, 11:01
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Khương, tức nhà báo Hoàng Khương, về tội “Đưa hối lộ”, đã thu hút nhiều dư luận quan tâm trong vài ngày qua và để lại nhiều chi tiết đáng chú ý về quá trình hành nghề và quan hệ xã hội của một phóng viên…

>> Luật sư đề nghị trả tự do cho Hoàng Khương
>> Nhà báo Hoàng Khương bị đề nghị mức án 6 – 7 năm tù
>> Luật sư đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Hoàng Khương (trực tiếp)

Tại sao không mời Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM tham gia với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan?

Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vụ nhà báo Hoàng Khương bị TAND Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 289 BLHS. Xung quanh bản án này có nhiều thông tin phản ứng trái chiều nhau.

Để hiểu rõ hơn về bản án đã tuyên, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chánh tòa Hình sự TAND Tp. Hồ Chí Minh.
 


Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy


Phóng viên: Thưa bà, sau khi HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Khương (nhà báo Hoàng Khương - Phóng viên báo Tuổi Trẻ - gọi tắt là Hoàng Khương) mức án 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 289 BLHS thì dư luận có những phản ứng trái chiều nhau xung quanh hành vi “đưa hối lộ” của nhà báo Hoàng Khương. Bà có ý kiến gì về việc này?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Đúng là mấy ngày qua tôi có theo dõi và nhận thấy dư luận có những thông tin nhiều chiều về vụ án Hoàng Khương. Nhưng với tư cách chủ tọa phiên tòa, tôi cho rằng, việc xét xử Nguyễn Văn Khương và đồng bọn được TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử công minh và công khai.

Hàng trăm người, trong đó có đông đảo phóng viên của báo Tuổi Trẻ đã đến theo dõi phiên tòa - chưa kể lực lượng phóng viên của các báo đài tham gia phản ánh diễn biến phiên tòa.

Tại phiên tòa, HĐXX làm việc hết sức khách quan, vô tư và chỉ tuân theo quy định của pháp luật. Việc tuyên bản án 4 năm tù đối với hành vi “đưa hối lộ” của Hoàng Khương dựa trên chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Về hành vi phạm tội của Hoàng Khương, HĐXX đã nhận định rất rõ ràng trong bản án đã tuyên vào ngày 7-9-2012.

Phóng viên: Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về phần nhận định của bản án đối với Hoàng Khương?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Hoàng Khương có mối quan hệ gia đình với Nguyễn Đức Đông Anh (em vợ của Khương). Thông qua Đông Anh, Khương quen biết với Trần Minh Hòa. Cả Đông Anh và Minh Hòa đều khai vào năm 2008, trong lần Minh Hòa bị Công an Gò Vấp giữ xe đua và Khương đã giúp Minh Hòa nhanh chóng nhận lại xe mà không bị kiểm điểm tại tổ dân phố.

Cả hai đều biết vị thế công tác của Khương sẽ có điều kiện tiếp cận để tác động giúp Minh Hòa nhanh chóng lấy lại xe bị tạm giữ về mà không bị ràng buộc bởi các quy trình khác.

Ngày 23-4-2011, Trần Minh Hòa đua xe trái phép bị Công an quận Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính tạm giữ xe. Minh Hòa không chịu thực hiện việc kiểm điểm tại tổ dân phố nên không đủ điều kiện được nộp phạt để nhận xe về.

Do đó, Minh Hòa đã gọi điện cho Đông Anh nhờ cậy Khương. Minh Hòa đã đưa toàn bộ giấy tờ liên quan đến xe tạm giữ và 15 triệu đồng cho Đông Anh. Mấy tuần sau, Minh Hòa gọi điện hỏi anh “Hoàng” (Hoàng Khương) về kết quả xin xe thì được “Hoàng” nói “Cứ từ từ xin được mà”.
 


Các bị cáo tại phiên tòa


Ngày 25-6-2011, thông qua vụ chi tiền, giải thoát xe ô tô của Huỳnh Minh Đức và Trần Anh Tuấn, Khương và Tôn Thất Hòa tiếp cận và đặt vấn đề “giải cứu” chiếc xe đua của Minh Hòa bị Công an Bình Thạnh đang tạm giữ mà không phải qua thủ tục kiểm điểm tại tổ dân phố.

Được Huỳnh Minh Đức “gật đầu”, Khương nhờ người về nhà gặp Đông Anh đưa biên bản vi phạm và tiền của Minh Hòa đến quán nhậu cho Khương. Tại đây, Khương đã trực tiếp cầm biên bản và 15 triệu đồng vào bàn nhậu để đưa cho Đức.

Đưa tiền xong, chờ nhiều ngày chưa thấy Đức trả xe đua, ngày 2-7-2011, Khương gọi điện cho Đức ra quán nói đó là xe của em vợ và nhắc Đức lấy xe. Đến tối 3-7-2011, Đức giao trả xe đua của Minh Hòa cho Khương nhưng chưa giao giấy tờ xe. Khương giao xe cho Đông Anh để trả cho Minh Hòa. Sáng hôm sau, Đức gọi điện yêu cầu Khương chi thêm 3 triệu đồng nữa.

Sau khi lấy xe và bị đòi thêm tiền, ngày 5-7-2011, Khương có bài đăng báo vụ đưa nhận hối lộ 3 triệu đồng liên quan đến vụ giải thoát ô tô của Trần Anh Tuấn. Như vậy, một trong 2 hành vi nhận tiền giải cứu xe của Huỳnh Minh Đức bị Khương công khai lên báo.

Lúc này, nắm chắc tâm lý hoảng loạn của Đức, Khương thông qua Tôn Thất Hòa nhiếu lần gọi điện thoại “vừa dụ dỗ, vừa hăm dọa” Đức phải trả giấy tờ xe cho Khương, nếu không Khương đăng tiếp bài báo thứ hai vụ nhận 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trước khi nhờ Đức lấy xe đua của Minh Hòa, Khương khai rằng, Khương đã nhờ Tôn Thất Hòa đến Công an phường 9, Phú Nhuận (nơi cư trú của Minh Hòa) xác nhận nhưng bị từ chối.

Một lần khác, Khương và Tôn Thất Hòa đến gặp và nhờ Vũ Hồng Thanh làm trung gian lấy xe cho Minh Hòa. Khương đã chuyển giấy tờ vi phạm của Minh Hòa và 10 triệu đồng trong số tiền 21 triệu đồng đã thỏa thuận cho Thanh. Nhưng sau đó, Thanh không giúp được nên trả lại tiền.

Trong các nội dung băng ghi âm thu giữ trong vụ án, từ ngày giao xe cho Minh Hòa đến ngày 8-7-2012, Khương hẹn gặp Minh Hòa hai lần và dặn dò Minh Hòa có ai hỏi thì nói không biết Hoàng Khương là ai, không nói gì đến tiền bạc và coi như Minh Hòa không bỏ tiền ra vụ này, nhắc Minh Hòa gửi xe ở chỡ khác không để xe ở nhà vì sợ Công an thu hồi…

Khương hứa với Minh Hòa sẽ tìm cách lấy lại giấy đăng ký xe và bắt Đức “ói” lại tiền cho Minh Hòa. Khương còn khuyên Minh Hòa chuyển sang địa bàn khác đua xe… Tuy nhiên, sau đó, Minh Hòa đã giao nộp lại xe cho Công an Bình Thạnh. Gặp Khương, Minh Hòa lại nói rằng, xe bị Công an thu giữ. Khương tỏ ý nghi ngờ và nói “kệ đi cho tụi nó chết luôn”.

Sau nhiều ngày không lấy được giấy tờ và xe đua đã bị thu giữ trở lại, Khương mới nộp bài báo “Giải cứu xe đua…”. Khương khai nộp bài cho Ban biên tập vào ngày 9-7-2011 và được đăng ngay vào sáng hôm sau .

Đối với số tiền 15 triệu đồng, Khương cho rằng đây là tiền nộp phạt. Nhưng sau khi lấy xe xong, Khương hứa với người vi phạm là sẽ tìm cách bắt Đức “ói” lại tiền và trả giấy tờ xe. Ngoài ra, nhiều chứng khác chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Khương. Bản thân Khương cũng thừa nhận tại phiên tòa về hành vi trái pháp luật của mình.

Nói tóm lại, ngay từ đầu khi được Minh Hòa nhờ vả lấy xe, Khương đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức cho công việc này. Khương lấy tiền của người vi phạm (Trần Minh Hòa) để đưa cho người có chức vụ (Huỳnh Minh Đức) nhằm đạt được mục đích giải cứu xe đua không đúng qui định. Đến khi không lấy được giấy tờ xe, Khương mới viết bài đăng báo với mục đích không trong sáng.

Phóng viên: Thưa bà, được biết Trần Minh Hòa còn bị TAND Tp. Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm 6 tháng tù trong một vụ án khác. Điều này có đúng không?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Đúng vậy. Ngày 15-2-2012, Trần Minh Hòa cùng đồng phạm điều khiển xe máy lưu thông trên đường phố đã giật dây chuyền của hai người bị hại, trong đó Minh Hòa giúp sức cho đồng phạm giật một vụ và Hòa trực tiếp giật một vụ.

Hành vi này của Trần Minh Hòa đã bị TAND Tp. Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm 6 tháng tù tại bản án số 294 ngày 28-8-2012.

Phóng viên: Thưa bà, trước đưa vụ án ra xét xử, nhiều thông tin cho rằng, bị cáo Hoàng Khương chỉ thực hiện tác nghiệp báo chí. Vậy bà có chịu áp lực trước dư luận này?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Khi được phân công làm chủ tọa phiên tòa vụ án Nguyễn Văn Khương và đồng bọn, nói không bị áp lực thì không đúng. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người Thẩm phán, tôi đã tiếp cận và nghiên cứu tất cả quan điểm, thông tin mà báo chí đã đưa.

Những vấn đề gì, hồ sơ vụ án đã thể hiện thì HĐXX lưu ý. Những vấn đề mà báo chí nêu hồ sơ chưa thể hiện một cách rõ ràng thì lưu ý nhiều hơn. Từ đó, HĐXX lên phương án xét hỏi để làm rõ tại phiên tòa.


Hội đồng xét xử làm việc hết sức khách quan, vô tư và chỉ tuân theo quy định của pháp luật. Việc tuyên bản án 4 năm tù đối với hành vi “đưa hối lộ” của Hoàng Khương dựa trên chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
 

Thông thường khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán sẽ nghiên cứu theo diễn biến thời gian hoặc nghiên cứu theo phương pháp nghiên cứu kết luận điều tra, tiếp đến nghiên cứu cáo trạng và cuối cùng nghiên cứu các bản cung. Phương pháp này, Thẩm phán rất dễ bị sa vào vào định kiến có tội.

Do vậy, Thẩm phán khi nghiên cứu hồ sơ vụ án theo cách này, Thẩm phán phải đặt mình vào vị trí của luật sư bào chữa để nghiên cứu theo hướng gỡ tội cho bị cáo. Trong vụ án Nguyễn Văn Khương, tôi nghiên cứu theo phương pháp thứ hai. Việc nghiên cứu hồ sơ cũng như kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Khương.

Phóng viên: Tại phiên tòa, Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho Hoàng Khương đề nghị đưa Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ vào tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng HĐXX đã bác đề nghị. Vậy theo bà, việc này như thế nào?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Theo BLTTHS, không có quy định nào phải đưa Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ vào tham gia với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Còn nếu đưa vào tham gia với tư cách người làm chứng thì không ổn. Vì Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ không phải là người chứng kiến trực tiếp hành vi đưa hối lộ của Hoàng Khương.

Mặt khác, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ có Công văn 116 ngày 15-3-2012 gửi Cơ quan điều tra xác định Hoàng Khương không báo việc cùng Tôn Thất Hòa đưa 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức trong quá trình thực hiện đề tài. Do đó, HĐXX bác đề nghị của luật sư.

Phóng viên: Thưa bà, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị phạt bị cáo Khương 6-7 năm tù nhưng HĐXX tuyên phạt 4 năm tù. Việc xử phạt nhẹ hơn này xuất phát từ đâu?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Một trong những nguyên tắc xuyên suốt của pháp luật nước ta là “có công thì thưởng, có tội thì phạt”. Bị cáo Khương bị VKS đề nghị xử phạt theo khoản 2 Điều 289 BLHS nhưng xem xét những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Khương theo quy định tại Điều 46 BLHS, HĐXX áp dụng Điều 47 BLHS nên tuyên mức án dưới khung hình phạt là 4 năm tù.

Phóng viên: Qua vụ án này, bà có để gửi gắm gì đến phóng viên trong quá trình tác nghiệp?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy: Theo tôi, phóng viên không thể dùng biện pháp tiêu cực để quay lại chống tiêu cực. Nếu phóng viên dùng biện pháp tiêu cực như là một vũ khí chống tiêu cực thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. 

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.

 

Theo Congly

Các tin cũ hơn