Nửa đêm vào chùa… chặt trộm sưa
Vụ trộm táo tợn xảy ra từ năm 2010, tuy nhiên đối với các cụ bô lão làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thì đó là bài học đắt giá. Sau sự việc đó, làng Chóa đã thành lập hẳn một đội “tự vệ đỏ” thường trực để cắt cử canh giữ cây sưa cổ thụ trồng trong đền làng.
Đền Chóa - nơi có cây sưa cổ thụ bị bọn trộm "viếng thăm" hụt. |
Chuyện là, một đêm tháng Chạp năm 2010, bọn trộm đã liều lĩnh đột nhập vào khu đền. Hai người trông giữ khi đó là ông Nguyễn Đình Quỳ và Nguyễn Văn Hồng đang nằm ngủ bỗng nghe thấy một tiếng “ùm” rất to.
Đoán biết là có sự chẳng lành, hai ông ngay lập tức gọi điện thông báo cho các thành viên khác, rồi vội vã chạy ra ngoài xem sự thể.
Đến nơi, dưới ánh đèn pin lờ mờ, hai ông ngỡ ngàng khi thấy cành thấp nhất của cây sưa cổ thụ đã bị kẻ gian cưa đổ xuống hồ. Bọn trộm thấy động đã bỏ chạy mất mà chưa kịp mang cành cây đi.
Cành cây bọn trộm cưa đứt có đường kính 20cm, dài gần 3 mét, ước lượng vài ba chục kg được các cụ cắt đôi và cất giấu, canh phòng cẩn mật, đề phòng bị đánh cắp lần nữa.
Cành sưa bị chúng đốn trộm đang được các cụ trông coi đền cất giữ. |
Ông Nguyễn Duy Oanh, 70 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Chân Lạc quả quyết: cây sưa này không dưới 150 năm tuổi, bởi dưới gốc đa ngoài cửa đền có một cái bia đá. Năm 1999, có người của Sở Văn hóa về đọc chữ nho trên đó và bảo nó đã có 128 năm rồi. Bia đá đó ghi lại công đức của những người đã hiến ruộng để mở rộng hồ bán nguyệt. Cây sưa được trồng trước cả thời kỳ dựng bia.
Sau khi cây sưa bị kẻ xấu “ghé thăm hụt”, các cụ trong BQL di tích Đền Chóa mới bán tín bán nghi, ráp nối chuỗi sự kiện đã xảy ra trước đó.
Vị trí cành sưa bị cưa trộm tại đền Chóa vào tháng Chạp năm 2010. |
Số là, năm 2009, thời điểm dưới Hà Nội dân đang hoang mang vì nạn “sưa tặc”, rồi các thông tin vài chục tên trộm sưa phải hầu tòa…, đền Chóa có vài ông khách lạ “mò” đến. Họ đánh xe hơi xuống gặp các cụ trong BQL, rồi thẳng thắn ngã giá hỏi mua cây sưa cổ thụ đền Chóa với giá 1,5 tỷ đồng.
Sự xuất hiện bất ngờ của mấy tay thương lái ngỏ lời mua cây quý đã khiến các cụ trong BQL đền Chóa cảnh giác. Bởi nhẽ, 1,5 tỷ đồng thời kỳ đó, nếu quy ra vàng cũng lên đến cả trăm cây vàng. Tài sản quý giá ấy đã khiến các cụ quyết tâm bảo vệ.
Một thời gian ngắn sau đó, vụ cắt trộm cành sưa mọc sát dưới thấp khiến các cụ thêm đề cao cảnh giác. Dù không biết giá trị thực của cây sưa như thế nào, nhưng “đội tự vệ” của làng đã được thành lập cắt cử bảo vệ cây cổ thụ.
Đội bảo vệ cây sưa được chia làm hai tổ, mỗi tổ năm người, cùng với hai “ông đám” (người được dân làng cử ra trông coi đền trong vòng 2 năm, giống như các ông thủ từ) ngày đêm trực chiến canh giữ cây sưa. Hai “ông đám” ăn ở ngay sau khuôn viên đền suốt ngày đêm.
Lại “vào một đêm mưa bão…"
Đấy là bối cảnh của vụ trộm sưa trong vườn chùa xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Nội). Vào đêm mưa bão, kẻ gian đã đốn hạ cây sưa đỏ đáng giá tiền tỷ, chỉ bỏ lại phần gốc và cành lá.
Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 24/6, cây sưa cổ thụ trồng giữa vườn chùa Đống Ông (thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương) bị kẻ xấu vào đốn hạ. Người dân phát giác được vào sáng hôm sau, khi thấy vườn chùa bỗng nhiên trống trải.
Cây sưa may mắn này đang được cắt cử người trông coi cả ngày lẫn đêm. |
Ông Đặng Quang Thiểm – người trông coi chùa Đống Ông kể: bọn trộm sưa chỉ lấy phần thân chính của cây; cành, lá nhỏ chúng để bừa bộn lại hiện trường. Ngay cả các công cụ, phương tiện mà chúng sử dụng cũng không được mang đi hết.
“Chắc chắn mục đích của chúng là lấy phần thân gỗ chính của cây, nên khi đạt mục đích chúng vội vã bỏ trốn để quên lại nhiều đồ nghề”– ông Thiểm nhận định.
Nhiều cành sưa lớn vứt lại tản mát trên một số ngôi mộ tại nghĩa trang làng nằm sát vườn chùa; tại hiện trường, phần gốc đường kính chừng 60cm và nhiều cành sưa nhỏ vẫn còn tươi nguyên. Người dân cũng tìm thấy một xe đẩy, tuýp sắt được các đối tượng sử dụng trong quá trình trộm cây.
“Dân làng bực lắm, vì chúng còn táo tợn lấy hai chiếc thang của nhà chùa chống lên, không để cành cây va vào tường, gây tiếng động. Bọn chúng lợi dụng lúc mưa bão, mà người trông coi chùa hầu hết là các cụ lớn tuổi, già yếu. Có lẽ chúng đã nhiều lần về chùa làng để nghiên cứu, lên kế hoạch” – một người dân bức xúc.
Cũng giống như câu chuyện ở đền Chóa, cây sưa cổ thụ ở chùa Đống Ông cũng đã từng được hỏi mua với giá rất nhiều tiền. Vài năm trước, có nhóm người vào hỏi mua cây sưa với giá 1,8 tỷ đồng.
"Đồ của đình, của chùa không ai dám động đến, nên dân làng không tán thành bán cây. Thế mà, bọn “sưa tặc” nó cũng không chừa!” – ông thủ từ chùa Đống Ông buồn rầu.
Theo VNN