Ngày 10/6, hàng ngàn người dân xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã vây đánh đến chết hai tên trộm chó. Vụ việc rúng động này chưa kịp lắng xuống thì khoảng 12h30 ngày 15/7, tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Lê Văn Thành (SN 1996) và Ngô Văn Ngọc (SN 1994, đều ngụ huyện Yên Định) lại đến nhà anh Nguyễn Văn Nhiên trộm chó. Bị người dân phát hiện vây đánh, hai “cẩu tặc” này nhảy xuống sông Mã trốn nhưng đã bị chết đuối.
Liều lĩnh, táo tợn
Theo thống kê của Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2012 đến tháng 7/2013, trên địa bàn tỉnh đã có 8 người trộm chó bị người dân vây đánh đến chết hoặc chạy trốn dẫn đến tử vong.
Thế nhưng, nạn trộm chó vẫn diễn biến phức tạp, không có chiều hướng thuyên giảm. “Cẩu tặc” rất liều lĩnh và táo tợn, sẵn sàng dùng dao, kiếm, thậm chí cả súng, mang theo để chống trả khi bị truy đuổi.
Hai thanh niên trộm chó bị người dân bắt giữ. |
Đêm 18 rạng sáng 19/6, hàng trăm người dân xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa phát hiện và vây bắt hai tên trộm chó của một hộ dân. Hai “cẩu tặc” rất hung hãn, khi bị truy đuổi chúng đã rút súng hoa cải bắn trả khiến 4 người dân bị thương nặng.
Quá bức xúc trước hành động ngang ngược của chúng, người dân đã truy đuổi và bắt được Trịnh Văn Chiến (SN 1982, ngụ xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành) khi đang trốn trong chuồng heo một nhà dân. Nhiều người đã xông vào xử “luật làng” khiến người này thiệt mạng.
Trước đó, ngày 8/3, Phạm Ngọc Sơn (SN 1970, ngụ xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa) đến xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bắt trộm chó. Khi bị phát hiện, Sơn quay lại tấn công và cũng bị dân làng đánh chết.
Tháng 8/2012, Lê Tiến Lý (SN 1978) và Vũ Nguyên Dũng (SN 1976) tới xã Định Thành, huyện Yên Định bắt được 3 con chó. Bị dân làng phát hiện, cả hai đã dùng bột ớt, chai bia, súng cao su bắn vào những người truy đuổi. Khi bị bắt, do quá bức xúc trước hành động của Lý và Dũng, người dân đã đánh cả hai trọng thương phải đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, Dũng đã chết sau đó…
Ông Đặng Bá Hồng, Trưởng Công an xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc cho biết chỉ một tuần đầu tháng 7/2013, trên địa bàn xã đã xảy ra 6 vụ trộm chó.
“Bọn “cẩu tặc” không theo quy luật nào, chúng có thể “làm ăn” lúc chạng vạng tối, nửa đêm hoặc rạng sáng… nên rất khó phát hiện. Chúng ở nhiều địa phương và luôn dùng hung khí chống trả khi bị truy đuổi. Đầu năm 2013, khi chúng tôi phát hiện và tiến hành vây bắt, 3 tên trộm chó đã chống trả quyết liệt. Chúng đã đập chai bia vào đầu một công an viên để tẩu thoát”, ông Hồng lo ngại.
Từ khi nạn trộm chó hoành hành, nhiều làng quê trước đây vốn thanh bình giờ không còn yên ả nữa. Nhiều làng, xã đã dựng lên barie, cứ khoảng 21 giờ là đóng lại, không cho người lạ vào. Cũng từ việc phòng ngừa “cẩu tặc” nghiêm ngặt này mà người lạ mặt ở nơi khác đến các làng quê Thanh Hóa bây giờ luôn lo ngay ngáy, bởi nếu đi đứng không cẩn thận thì rất dễ bị nghi ngờ trộm chó và... toi mạng như chơi.
Không ngán pháp luật
Anh Lê Văn Tứ, ngụ xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc bức xúc: “Bọn trộm chó giờ phải gọi là giặc mới đúng, chúng hoạt động ngày càng trắng trợn. Sáng sớm mới đây, tôi dậy mở cổng cho chó ra ngoài đi dạo. Thừa lúc tôi không để ý, bỗng hai tên lao xe máy đến ném thòng lọng trúng cổ con chó lôi đi xềnh xệch. Tôi tri hô làng xóm thì chúng quay lại chửi bới rồi dùng hung khí hăm dọa. Chỉ trong tích tắc, con chó biến mất cùng hai tên trộm. Chúng ngang ngược thế nên dân làng nhiều khi bắt được đã hành xử quá tay”.
Thi thể hai người trộm chó chết do nhảy sông Mã trốn sự truy đuổi của dân làng, được đưa về mai táng. |
Theo PC45, Công an tỉnh Thanh Hóa, trong 7 vụ trộm chó mà “cẩu tặc” bị người dân đánh chết, 5 vụ đã tạm hoãn điều tra do hết thời hiệu và hai vụ đang trong quá trình xử lý. Đại úy Nguyễn Hữu Thịnh, Đội trưởng Đội Điều tra Tội phạm về trật tự xã hội PC45, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho rằng những đối tượng trộm chó bị đánh chết là do tâm lý bức xúc của người dân. Theo ông, việc xử lý “cẩu tặc” theo pháp luật hiện hành làm người dân chưa hài lòng.
“Điều tra những người đánh chết “cẩu tặc” cũng gặp nhiều khó khăn, do dân làng thường bắt được kẻ trộm vào buổi tối và đánh hội đồng nên rất khó xác định. Chúng tôi đang kiến nghị với cấp trên theo hướng đối tượng trộm chó bị người dân truy bắt, nếu chống trả hay dùng hung khí nguy hiểm thì sẽ quy vào hành vi cướp tài sản.Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng phải thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu hơn về pháp luật, có cách xử lý đúng hơn khi bắt được kẻ trộm chó”, đại úy Thịnh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con số thống kê nêu trên của Công an tỉnh Thanh Hóa còn ít so với thực tế. “Để có thể ngăn chặn được vấn nạn này, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa với “cẩu tặc” thì may ra kẻ trộm chó mới hết bị đánh chết và người dân cũng không bị liên lụy” - một người dân huyện Vĩnh Lộc nhìn nhận.
Theo NLĐ