|
Đôi gian phu - dâm phụ tại cơ quan điều tra. |
Tháng 12/1989, một phụ nữ ngoài 30 tuổi dẫn theo ba con nhỏ nheo nhóc đến trụ sở Công an huyện Ninh Sơn, tỉnh Thuận Hải (được thành lập năm 1976, hợp nhất ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, và Ninh Sơn là một huyện nằm phía tây của tỉnh Ninh Thuận ngày nay) khóc mếu cho biết chồng mình là anh Nguyễn Văn Cừ mất tích nhiều ngày...
Gần một tháng sau, tại khu vực vùng cao phía Tây Bắc của huyện Ninh Sơn, giáp ranh với khu vực xã Bác Ái, huyện Ninh Sơn, tỉnh Thuận Hải (nay là huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), người đi rừng phát hiện một xác chết cạnh một con dốc nhỏ heo hút.
Nhận được tin báo, thiếu tá Lê Sang, Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thuận Hải lập tức cử các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm xuống hiện trường.
Xác chết đã phân hủy gần hết, cạnh đó có bộ quần áo và chiếc mũ két nhàu nát, bạc phếch. Cách đây nhiều ngày, khu vực này có nhiều trận mưa lớn nên hiện trường đã xáo trộn. Khi công an xuất hiện, người dân địa phương kéo nhau đến xem rất đông. Nhiều người bàn tán, người đàn ông xấu số bị sát hại để chiếm đoạt tài sản. Nhưng cũng có người cho rằng người đàn ông này bị heo rừng húc chết. Có người lại chắc chắn nạn nhân đã nhìn thấy voi giao phối nên bị nó phát hiện...
Kết quả khám nghiệm sơ bộ của cảnh sát cho thấy nạn nhân chết do trúng đạn từ vũ khí quân dụng. Ở vùng này, người dân lén lút tàng trữ súng hoặc tự chế súng hoa cải để đi săn thú rừng là chuyện khá phổ biến. Loại súng được sử dụng phần lớn là AR15 của Mỹ, CKC dùng chung cỡ đạn với AK47 và Shotgun hai nòng, dân địa phương vẫn gọi là súng Calip.
Từ tư thế nằm cái xác, các điều tra viên phán đoán điểm chạm viên đạn vào người nạn nhân và hướng đi của đường đạn. Trên xác nạn nhân vẫn cái đèn săn đã bật sẵn và hết pin từ lâu, chứng tỏ nạn nhân chết khi trời đã tối. Với ba viên đạn gây ra cái chết cho nạn nhân không thể có chuyện người đi săn bắn nhầm lẫn nhau. Ra sức tìm kiếm, các điều tra viên tìm được ba chiếc cát-tút lẫn trong đám cỏ và lá rừng bị nước mưa trôi đọng thành vệt.
Sau khi công tác khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường hoàn tất, bỗng nhiên có một phụ nữ tay bế đứa con nhỏ, tay kia dắt theo hai con rẽ đám đông bước vào khu vực phong tỏa. Người phụ nữ chính là vợ của nạn nhân.
Khi nhìn chiếc áo, chị đã thét lên thảm thiết. Dường như người phụ nữ muốn nói gì với các con của mình nhưng sau tiếng kêu ngắt quãng, chị gục xuống ngất đi. Các con của chị bu lại, đứa lay gọi mẹ, đứa khóc lóc. Lát sau, chiếc xe cấp cứu lao nhanh về bệnh viện huyện Ninh Sơn, chở theo người phụ nữ bị ngất và những đứa trẻ tội nghiệp.
Từ dấu vết ở hiện trường, tổ trọng án Công an tỉnh Thuận Hải nhận định, với khoảng cách vỏ đạn rơi và chỗ nạn nhân gục xuống khá gần chỉ cách 3,5 mét nên khả năng nạn nhân chết trong hoàn cảnh bất ngờ là rất cao. Hung thủ có lẽ là người thân quen, có mối quan hệ mật thiết nên nạn nhân không đề phòng.
Dựa vào lời khai của người phụ nữ khi đến báo tin chồng mất tích cách thời điểm thấy xác chồng chị ta hàng tháng, các điều tra viên được biết chị ta tên là Nguyễn Thị Bình. Chồng tên Nguyễn Văn Cừ, một thợ săn thú và đi rừng cự phách. Ngoài thời gian buôn bán, thỉnh thoảng anh Cừ vẫn săn thú rừng hoặc đi rừng kiếm vài phách gỗ quý...
Cơ quan điều tra tích cực vào cuộc. Chiều hôm ấy, các trinh sát đến Ninh Sơn gọi điện thoại về báo cáo và nhận chỉ thị từ ban chuyên án. Cùng lúc ấy, một mũi trinh sát bí mật tiếp cận thu thập tin tức quanh khu vực nạn nhân từng sinh sống. Những gì họ thu thập được không có gì nổi bật.
Nạn nhân khi còn sống khá hiền lành, đối đãi với người trong xóm khá chân tình nên ai cũng quý. Bạn của anh ta có người làm nghề khai thác gỗ, người làm nghề mộc, thợ xây...Duy chỉ có thông tin của một người hàng xóm khiến các trinh sát chú ý.
Tại nhà nạn nhân, trinh sát chẳng thu thập được gì ngoài một cuốn sổ tay ghi dòng chữ “Nhật ký cuộc đời” giấu trên xà nhà và mấy lá thư viết gởi người thân nhưng vẫn chưa bỏ phong bì. Nội dung thư cũng chỉ thăm hỏi bình thường.
Từ nguồn tin của người hàng xóm, các trinh sát tìm hiểu về đời tư cả hai vợ chồng mới biết chị Bình với anh Cừ nên nghĩa vợ chồng và sinh con đầu lòng khi chị mới 16 tuổi. Sau ngày giải phóng, chị theo chồng vào ở với mẹ cùng cha ghẻ tại Nông trường 16-4 và trở thành một cô giáo nuôi dạy trẻ. Lập gia đình sớm nên ở tuổi 32, có tới ba mặt con nhưng nhìn chị vẫn còn đẹp.
Trong đêm phát hiện xác anh Cừ, tại phòng cấp cứu Bệnh viện Ninh Sơn, một bệnh nhân cùng phòng nhìn thấy một người đàn ông trạc 40 tuổi đến thăm chị Bình. Ngay lập tức, hàng chục người được đưa vào diện nghi vấn. Công tác xác minh đã có kết quả. Người đàn ông đến thăm chị Bình chẳng ai khác đó là anh Lê Văn Bốn, một người làm nghề thợ mộc và là bạn rượu anh Cừ lúc còn sống.
Làm việc với cơ quan điều tra, Bốn lý giải hành vi của mình rằng, anh ta tới thăm vợ bạn cũng chỉ vì thương người bạn xấu số mà tìm đến an ủi vài câu nhưng sợ vợ phát hiện, ghen tuông bóng gió nên phải đến thăm vào lúc nửa đêm.
Đọc nhật ký của anh Cừ, các điều tra viên chú ý tới những thông tin ghi nợ nần, đặc biệt là con số 252. Con số đó có chứa thông tin gì? Tại sao nó lại nằm ở trang cuối cùng của nhật ký? Nhận thấy lúc còn sống nạn nhân rất thích săn bắn, chắc hẳn trong nhà có súng và đạn nên các điều tra viên vận động chị Bình mang 150 viên đạn AR15 giao nộp cơ quan công an nhưng khẩu súng thì không thấy.
Từ nội dung của cuốn nhật ký, các trinh sát bí mật giám sát mọi di biến động của Bình và Bốn. Lúc còn sống, anh Cừ đã phải đau khổ, dằn vặt vì thói lăng loàn, trắc nết của vợ. Bình có thói xấu “mang đồ nhà cho hàng xóm xài chùa” từ khi còn làm cô nuôi dạy trẻ ở nông trường. Anh Cừ biết vợ và Bốn thường thậm thụt với nhau. Hùng - đứa con đầu của anh Cừ cũng cung cấp một chi tiết đắt giá: Trong lúc đứng gần, cháu tình cờ nghe mẹ thì thầm khấn vái: “...Anh đừng nghi oan cho em, em không có tội. Thằng Bốn nó tàn nhẫn, nó đểu cáng...”.
Kết quả giám sát di biến động của Bình và Bốn đã cho kết quả không ngoài dự đoán. Trong một lần âm thầm đến điểm hẹn bí mật để gặp Bốn, Bình oán trách người tình cả gan bắn chết chồng mình. Còn Bốn thì một mực cho rằng: “...Tại vì em, vì em tất. Anh đã bắn Cừ nhưng em nhớ lại đi, bao nhiêu lần em đã thúc giục anh...”.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã thu hồi khẩu súng AR15 của anh Cừ do một người trong xóm mang đến gởi ở nhà mẹ đẻ của Bình tại Nông trường 16-4. Hóa ra, con số 252 mà anh Cừ ghi trong cuốn nhật ký chính là số hiệu của khẩu súng AR15 mà anh thường dùng để săn bắn lúc còn sống. Khẩu súng đó được Bốn dùng để đoạt mạng anh nhằm độc chiếm lấy Bình.
Lệnh bắt khẩn cấp Bình và Bốn được đưa ra, đúng lúc Bốn đang bàn tính chuyện trốn chạy còn Bình thì tìm cách giải quyết bằng một liều thuốc độc cực mạnh nhưng cả hai vẫn chưa kịp thực hiện.
Theo Công an TP.HCM