Mê chó, bắt con hàng xóm đem đổi
Lý Pó Sì năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã cải tạo được 4 năm ở trại giam Quyết Tiến. Dáng vẻ bề ngoài của Sì khá ấn tượng bởi cái mặt to bè bè, mỏng dẹp, chẳng tương xứng chút nào với với cái mũi bé và bẹt. Mỗi khi mở lời, cái giọng phổ thông ngang phè của Sì khiến người nghe cảm thấy bức bối, thế mà anh ta lại luôn toe toét cười.
Sì là người dân tộc H’mông lại sống tít trên núi cao, tận xứ sở của cao nguyên đá, chẳng học hành, ít tiếp xúc nên sống theo bản năng là chính. Nghĩ sao nói vậy, Sì bảo từ ngày đi tù được ăn cơm trắng nhiều lại thấy nhớ món mèn mén, cho dù ăn thứ bột ấy nếu không có nước canh rau cải vừa ăn vừa húp là sẽ chết nghẹn. Nhắc đến cơm, Sì chép miệng bảo thương mấy đứa con ở nhà, một năm may ra có vài ngày biết đến hạt cơm.
Ly Pó Sì đang làm phép tính tương đương chương trình lớp 3 phổ thông.
Công việc chính của Sì là làm rẫy, nhưng cả năm chỉ có một vụ gùi đất bỏ vào hốc đá trồng ngô nên cứ gọi là chơi dài. Ngô làm mèn mén để ăn thì ít mà để Sì nấu rượu là nhiều nên cả nhà Sì, từ con nít cũng biết tu rượu ngô rồi đi ngủ trừ bữa.
Thi thoảng cả nhà cũng có được bữa tươi, ấy là khi Sì đi rừng hái măng, bẫy được con dúi, con nai mang về. Một năm chỉ có vài tháng đủ bột ngô làm bánh ăn, những ngày tháng còn lại thì ai cũng phải chịu cảnh đói. Cũng may cả nhà Sì ngủ rất giỏi, nhiều khi ngủ thay cả ăn, ngủ từ ngày này sang ngày khác, đến lúc tưởng như đói sắp lả mới bò ra vườn nhổ mấy cây rau về nấu suông, húp đỡ.
33 tuổi đã bị bắt, nhưng Sì cũng kịp có 3 đứa con. Đứa lớn nhất khi đó đã 15 tuổi, hai đứa bé thì nhỏ hơn, một đứa lên 8 còn đứa út lên 3. Nhà nghèo nên mỗi đứa trẻ nhà Sì chỉ có một bộ quần áo lành để mặc. Ngay cả Sì, hôm bị bắt thấy được phát áo tù là gửi ngay bộ quần áo đang mặc về cho vợ con.
Hỏi Sì tại túng quá nên làm liều à?, anh ta hồn nhiên: “Em có bán ai đâu, nó thích trẻ con, em thích chó thì đổi thôi, có lấy tiền đâu mà bán”. Theo cái “lý người Mèo” thì đúng vậy, có ai bán ai đâu. Ổ chó người ta định giá 3 triệu đồng, đổi sang ngang lấy đứa trẻ, làm gì có tiền đưa đi đưa lại thì nói bán sao được nhỉ. Chết nỗi Sì được chó ôm về, nhưng mẹ đứa trẻ thì chẳng được gì nên mới ra nông nỗi.
Không có tiền nhưng Sì thi thoảng cũng đi chợ đường biên, lúc thì bán ít ngô, khi thì vài đọt măng rừng hoặc thịt thú rừng săn bắn được. Một lần đi chợ, lan man thế nào, Sì cùng đám trai bản sang bên kia biên giới chơi, thấy một người đàn ông Trung Quốc đang nựng một con chó mẹ nuôi đàn chó con, Sì thích quá cứ đứng lại xem. Tưởng Sì mua, người đàn ông nọ ra giá nhưng Sì lắc đầu bảo không có tiền.
“Không có tiền, muốn có chó thì đem trẻ con sang đây tao đổi cho, một đứa con trai đổi lấy ổ chó, không phải nuôi con lại có chó sau này bán được”, người đàn ông có ổ chó rao giá. Nghĩ những con chó này nếu chăm tốt sau này sẽ giúp mình trong việc đi săn, Sì đồng ý đổi.
Về đến nhà, Sì kể chuyện thích nuôi chó và cuộc đổi chác với người đàn ông nọ cho vợ nghe với ý định đem một đứa con trong nhà đi đổi. Vợ Sì gọi 3 đứa con đến hỏi có đứa nào muốn làm con nuôi, được ăn sung mặc sướng thì tới phiên chợ sau đi với bố. Con trai lớn 15 tuổi đã biết thổi kèn lá gọi bạn tình thì lắc đầu cười, bảo ở nhà lấy vợ. Chỉ còn hai đứa nhỏ thì đứa con gái 8 tuổi không đổi được, cậu con trai bé lên 3 tuổi vợ Sì nhất định không đồng ý với lý do nuôi con đỡ tốn hơn đàn chó.
Không gạ được người nhà, Sì chợt nhớ tới ba mẹ con người đàn bà góa ở cuối bản, thế là anh ta lần tới.
Nhà chị Mua chẳng khác nào một túp lều chỉ còn trơ bộ khung, chờ cơn gió mạnh là ngã. Từ ngày chồng đi tù rồi chết, cuộc sống của ba mẹ con chị càng thêm lam lũ. Không có đàn ông trong nhà, đến con gà nuôi dưới gầm sàn cũng bị bắt trộm, cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Sì đến nhà bảo có người hiếm muộn, cần xin con nuôi rồi tỉ tê bảo chị Mua cho bớt đi một đứa con, đỡ khổ.
Thấy Sì bảo cho con vào nhà giàu, được sung sướng, chị Mua đồng ý cho thằng con trai út khi đó lên 8 tuổi. Mừng quá, Sì dẫn ngay đứa trẻ về nhà, bảo vợ thịt gà đãi khách rồi không đợi tới phiên chợ, sáng hôm sau dẫn luôn đứa trẻ ra đường biên.
Đổi được ổ chó 5 con về nhà, Sì mừng lắm, trong đầu đã mường tượng tới cảnh mỗi lần đi rừng săn bắn sẽ có một đàn chó hỗ trợ, tha hồ bắt được nhiều thú mang về mà có thú rừng là có cơm ăn, có quần áo đẹp để xuống chợ tìm bạn tình.
11 năm tù và nỗi lo con bị lừa bán
Tin thằng Sì bỗng dưng có ổ chó săn ôm về nhanh chóng loang ra khắp bản và tới tai người đàn bà góa. Nghĩ Sì đem con mình đi đổi lấy chó, chị Mua đòi Sì phải chia cho mình hai con nhưng Sì không chịu. Anh ta cho rằng đứa trẻ được làm con nuôi, vừa sống sung sướng mà chị Mua lại không phải nuôi con. Chó là của anh ta vì anh ta tìm được người nuôi con chị Mua. Ấm ức, chị Mua lên xã tố cáo. Mấy ngày sau, đàn chó còn chưa bén hơi chủ thì Sì bị bắt.
“Em đi rồi, vợ con xấu hổ vì bị dân bản chê cười nên đem đàn chó vứt hết vào rừng, chẳng biết có con nào sống không”, Sì kể, giọng đầy tiếc rẻ. Theo anh ta thì đấy là giống chó săn, nếu chăm tốt sau này đi săn sẽ rất nhàn.
Về trại giam Quyết Tiến cải tạo, không biết chữ nên Sì được theo học lớp xóa mù. Thích học nhưng cũng phải hơn một năm đánh vật, Sì mới đọc thông, viết thạo. Từ ngày có chữ, Sì ham đọc sách lắm, những ngày nghỉ lao động lại lên thư viện mượn sách để đọc. Anh ta bảo đọc sách báo, thấy nhiều trẻ em bị bắt cóc, bị bán lại thấy lo cho hai đứa con ở nhà. Thằng lớn lấy vợ coi như yên phận, lo nhất là đứa con gái đang tuổi dậy thì, sợ bị người bên kia biên giới kéo sang làm vợ thì mất con.
“Ngày xưa em dắt thằng con nhà Mua cho người ta lúc ấy nó 8 tuổi, bằng tuổi con em bây giờ. Em sợ…”, Sì bỏ lửng. Bán con người ta nên giờ Sì lo con mình cũng bị kẻ khác lừa bán.
“Em viết hai lá thư về cho vợ rồi đấy, thế mà nó chẳng chịu gửi cho em lấy một chữ để em yên tâm”, Sì than vãn. Lo quá, Sì quên mất rằng vợ con có ngày nào được đi học đâu mà biết chữ nên có nhớ, có thương anh ta chắc họ cũng chỉ để trong bụng.
Hỏi Sì không nhận được thư vợ thì định làm gì, anh ta cười ranh mãnh: “Thư tới em sẽ gửi cho trưởng bản, thế nào ông ấy cũng trả lời em, vậy là biết tin nhà thôi”.
Nỗi lo, suy nghĩ của Sì thật đơn giản nhưng đôi lúc anh ta cũng thông minh, nhất là trong lần quyết định này.
Theo Tri thức thời đại