Quá khứ bất hảo của kẻ bất nhân
Người dân sống tại Tổ 5, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội không ai lạ lẫm với Lương Trọng Nam (sinh năm 1972). Năm 2011, nam có 39 tuổi đời nhưng 16 năm trong số đó hắn ở trong tù. Những tội danh khiến hắn tù tội gồm cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp tài sản. Đời ở tù khiến Nam phải trả giá bằng việc gia đình tan nát. Vợ của Nam, chị Lê Thị Huệ (sinh năm 1972) mặc dù đã có con trai với Nam nhưng cũng bỏ đi lấy người khác khi Nam đang ở tù.
Cách đây 3 năm, Nam mãn hạn tù, trở về địa phương với một chuỗi “thành tích” bất hảo dày cộm. Quá khứ là vậy nhưng ai cũng lạ một điều, đó là bà Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1932, trú tại Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội), là mẹ của chị Huệ lại vẫn coi Nam như con đẻ, vẫn quý mến dù Nam vừa đi tù về. Không chỉ có bà Sang mà họ hàng chị Huệ vẫn có cùng thái độ thiện cảm với Nam. Cho nên, dù Nam và chị Huệ đã ly dị nhưng hắn vẫn thường xuyên ghé thăm, giúp đỡ bà Sang và họ hàng bên vợ cũ.
Những giọt nước mắt tại phiên tòa xét xử bị cáo |
Mọi chuyện vẫn bình thường như hàng ngày nó vẫn diễn ra, cho đến một ngày định mệnh, một ngày mà không ai mong nó sẽ đến.
Án mạng kinh hoàng
Khoảng trưa ngày 10/7/2010, Nam lại đến nhà mẹ vợ cũ như thường lệ, lần này là với mục đích tìm chị Huệ để bàn việc tổ chức sinh nhật cho bé trai con chung của hai người. Khi đến nơi, chỉ có bà Sang đang ở nhà, bà mở cửa cho Nam vào rồi cùng con rể cũ uống nước, trò chuyện. Trong cuộc gặp, Nam có đề cập đến việc muốn hàn gắn lại tình cảm với chị Huệ, bởi như thế sẽ tốt hơn cho đứa trẻ, vừa tạo điều kiện cho Nam sửa chữa lỗi lầm xưa kia.
Tuy nhiên, có những việc ở đời lại không được như mong muốn. Sau khi lấy chồng mới, chị Huệ cũng đã sinh thêm một bé gái. Khi Nam đề cập chuyện nối lại tình cảm vợ chồng với chị Huệ, bà Sang liền đồng ý nhưng bà đưa ra điều kiện, rằng bà sẽ nuôi bé gái con riêng của chị Huệ. Bà cũng yêu cầu Nam có trách nhiệm, mỗi tháng chu cấp số tiền 300 nghìn đồng để nuôi đứa bé.
Nghiễm nhiên, Nam từ chối vì cho rằng bé gái không phải là máu mủ của mình. Bực dọc với đề nghị của mẹ vợ cũ, Nam đứng dậy ra về. Bà Sang thấy vậy cũng lên giọng trách móc và tỏ ý cấm Nam quay trở lại nhà bà. Trước đó bà còn đề cập đến việc Nam là kẻ lười lao động, ham chè chén.
Đang lúc cãi cọ thì bà Sang bỏ đi về phía phòng ngủ gần cầu thang. Nam cũng đi theo, khi nhìn thấy con dao nhọn để gần đó, hắn vội vớ lấy dao, lao về phía bà Sang, một tay hắn dùng siết cổ bà, tay kia cầm dao cứa mạnh vào cổ bà mẹ vợ cũ.
Gã sát nhân bỏ qua mọi lời van xin của bà cụ, hắn cắt mạnh nhát thứ hai khiến bà đổ gục, chết tại chỗ. Sau khi bà Sang chết, Nam lạnh lùng bỏ về nhà như không có chuyện gì xảy ra. Hai giờ đồng hồ sau khi nạn nhân tử vong, bé L.T.M.A (10 tuổi, con riêng của chị Huệ) về nhà thì phát hiện bà ngoại bất động trên vũng máu nên vội hô hoán. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ án mạng.
Đến 18h30 cùng ngày, Nam đến trụ sở công an tự thú, thừa nhận là người đã sát hại bà Sang.
Vì sao gã con rể lại ra tay tàn độc với người vô tội?
Ngày 25/3/2011, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Lương Trọng Nam về tội danh Giết người. Tại đây, người nhà của bà Sang cho rằng, những gì Nam khai tại tòa và khai với cơ quan điều tra chưa hoàn toàn là nguyên nhân khiến hắn ra tay sát hại mẹ vợ cũ. Họ cho rằng không có chuyện bà Sang yêu cầu Nam chu cấp tiền hàng tháng để bà nuôi bé M.A.
Tuy nhiên, Nam vẫn một mực khẳng định những gì hắn đã khai là hoàn toàn chính xác với các tình tiết của vụ án. Nam liên tục thanh minh rằng, bản thân hắn cũng không thể hiểu nổi những hành động đã gây ra cho bà Sang. Thậm chí, hắn còn nói rằng có thể lúc đó do trong người có “chút” men say.
Sau giờ nghị án, mặc dù phía gia đình bị hại đã xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Nam, nhưng, xét thấy hành vi của Nam là quá dã man, mất nhân tính, cần phải cách ly đối tượng ra khỏi đời sống xã hội, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nam mức án tử hình.
Kết thúc phiên tòa, có nhiều người đã khóc, trong đó có cả Nam, một kẻ từng vào tù ra tội. Những giọt nước mắt của Nam là để tìm kiếm một sự khoan hồng của pháp luật, tìm kiếm sự tha thứ của dư luận. Song, pháp luật luôn thể hiện tính nghiêm minh, xét xử đúng người đúng tội, có như vậy mới đủ sức răn đe những kẻ phạm tội.
Theo Công lý