Ngày 8/8, tại hội nghị bàn về công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại vũ trường, quán bar trên địa bàn Đà Nẵng, công an thành phố cho biết một số quán bar thời gian qua phải đóng cửa do không có khách dẫn đến thua lỗ. Hiện thành phố không có vũ trường nhưng có 8 quán bar hoạt động tương tự như vũ trường.
Theo ông Nguyễn Nho Chinh, Phó phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83), các quán bar New Phương Đông, TV Club, F3 Club đầu tư nội thất, âm thanh ánh sáng hiện đại, thường chơi nhạc kích động về khuya, thu hút đông thanh thiếu niên hư hỏng, có tiền án tiền sự.
Đặc biệt, quán bar còn thuê vũ nữ mặc đồ hở hang đứng bục nhảy mẫu hoặc múa cột. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng xác nhận 4 quán bar có hình thức múa cột gồm: New Phương Đông, TV Club, F3 Club và F9 Club. Nhưng hiện nay pháp luật không cấm hoạt động này mà chỉ yêu cầu trang phục phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, các động tác không được kích động, phản cảm.
Nhiều quán bar thuê vũ nữ ăn mặc hở hang múa cột để hút khách. Ảnh: N.Đ |
Khẳng định việc sử dụng ma túy trong các quán bar, vũ trường là có, tuy nhiên cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng không đủ kinh phí để thâm nhập, kiểm tra nắm tình hình. Quán bar cũng thường chứa chấp khách sử dụng ma túy tổng hợp; nhiều nhóm khách đến bar để tổ chức sinh nhật "lắc", thể hiện thú ăn chơi ngông cuồng thác loạn của một bộ phận giới trẻ thời hiện đại.
Công tác PCCC ở quán bar, vũ trường ở Đà Nẵng cũng đang báo động. Có quán sử dụng nhân viên "múa lửa" bằng cách dùng chai có nút vải tẩm dầu hỏa rồi đốt lửa để tung hứng; pha chế rượu "B52" có cồn đốt cháy trong ly để uống…, điều này rất dễ dẫn đến sự cố cháy nổ.
Trong khi đó, lối vào cửa thoát hiểm ở quán bar đều vướng chướng ngại vật, hệ thống đèn báo cửa thoát hiểm khó phân biệt vì bị lẫn vào ánh sáng nhấp nháy của quán, nếu xảy ra sự cố sẽ gây hiệu quả rất nghiêm trọng.
Quán bar cũng là điểm "nóng" về trật tự xã hội khi hay xảy ra các vụ đánh nhau, tranh giành địa bàn bảo kê… Từ năm 2010 đến nay, Đà Nẵng xảy ra 25 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến quán bar, vũ trường với các hành vi cố ý gây thương tích; xử lý 276 người có hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy…
Theo Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh, thành phố không thiếu lực lượng có chức trách quản lý và xử lý sai phạm của vũ trường, quán bar nhưng quan trọng là lực lượng đó có kiên quyết xử lý hay không?
Ông Lê Anh cho biết, không thể không thừa nhận hoạt động kinh doanh quán bar, vũ trường đã có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này còn nhiều bất cập, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp và là thị trường "màu mỡ" cho các loại tội phạm.
Hiện quận Hải Châu đang có 4 quán bar hoạt động dưới hình thức trá hình là vũ trường. Tuy nhiên, trong Nghị định 72 của Chính phủ "Quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện" chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh vũ trường mà không đề cập đến quán bar, dẫn đến việc kiểm tra, áp dụng biện pháp xử lý đối với quán bar là rất khó.
Nhiều vụ mại dâm ở Đà Nẵng bị phá nhưng công an cho biết chưa phát hiện vụ nào có liên quan đến quán bar trên địa bàn. Ảnh: N.Đ |
Nghị định 103 của Chính phủ về "Ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" quy định các vũ trường, quán bar trong khách sạn 4 và 5 sao được phép mở đến 2h sáng. Ông Lê Anh cho rằng đây là thời điểm nhiều người dễ lợi dụng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm ma túy và mại dâm. Cơ quan chức năng của quận chỉ xử lý các sai phạm như quá giờ quy định, dạy khiêu vũ không phép, sử dụng nhân viên không có hợp đồng lao động.
Trên quận Hải Châu cũng đang diễn ra sự cạnh tranh "ngầm" giữa các quán bar Phương Đông, TV Club, F3 Club bằng việc thuê giang hồ khống chế, chèo kéo khách về vũ trường mình. Từ đó tạo mâu thuẫn giữa các quán bar, dễ xảy ra việc thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm giang hồ. Nhiều chủ quán còn làm ngơ cho khách phạm tội và thiếu hợp tác, thậm chí cản trở công an điều tra.
"Thành phố cần tăng cường công tác thẩm định, cấp ciấy phép, tránh tình trạng vũ trường chuyển thành quán bar để trốn thuế Nhà nước; đồng thời cần sớm ban hành văn bản quy định độ tuổi vào bar, vũ trường và những quy định, chế tài cụ thể để quản lý chặt chẽ an ninh trật tự tại vũ trường, quán bar", ông Lê Anh kiến nghị.
Đại diện Sở Văn hóa thành phố cho rằng cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể điều kiện, nội dung hoạt động của quán bar, vũ trường để đưa loại hình này đi vào nề nếp. Đồng thời thành phố cần chấm dứt hoạt động thí điểm sau 24h đối với một số cơ sở vũ trường, quán bar…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nho Chinh (Phó phòng PA83) nói hiện khách du lịch nước ngoài vào bar, vũ trường chiếm tỷ lệ nhỏ, do đó việc UBND TP Đà Nẵng có chủ trương cho các vũ trường hoạt động quá thời gian quy định (đến 2 giờ sáng) nhằm phục vụ khách du lịch là chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.
"UBND thành phố nên chấm dứt hoạt động các quán bar, vũ trường sau 24h đêm. Từ nay công an thành phố sẽ giao Phòng cảnh sát bảo vệ và cơ động (PC65) bố trí lực lượng hóa trang làm nhiệm vụ tại các cơ sở bar phức tạp", ông Chinh nói.
Theo VNE