Vụ cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng: "Đẩy" nốt con trai ra đường?

Thứ sáu, 09/08/2013, 15:56
"Các bác ơi đừng lấy nhà của cháu. Mẹ Thuận ơi, sao mẹ lại đuổi con ra đường", khiến người dân vô cùng bức xúc và thương xót cháu bé. Và cuối cùng, trước sự phản đối quyết liệt của người dân, việc cưỡng chế đã phải tạm hoãn.

Từ trong trại giam, Nguyễn Thị Thuận - kẻ thuê người đổ xăng thiêu chết cả nhà người anh chồng đã tìm cách gửi thư ra cho cậu con trai bé bỏng. Điều đáng ghê sợ là trong thư, Thuận đã gieo vào đầu óc con trai mình những suy nghĩ sai lệch về người cha đang nuôi nấng cháu bằng cách đổ hết mọi tội lỗi cho chồng mình, thậm chí chị ta cho rằng, chính chồng mình mới là thủ phạm.

Khi vợ chồng Thuận ly hôn, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội đã phân chia tài sản, ngôi nhà bố con anh Nguyễn Chí Tuấn đang ở thuộc về Thuận. Điều đó cũng có nghĩa là, khi lệnh cưỡng chế được thi hành, cháu Nguyễn Trung Kiên buộc phải ra đường.

Chưa từng ân hận

Vụ án xảy ra vào đêm 24, rạng sáng 25/1/2008, nghĩa là cách đây đã hơn 5 năm, nhưng sự tàn ác của thủ phạm cũng như hậu quả đau lòng mà Nguyễn Thị Thuận đã gây ra thì không chỉ người dân xóm Kho (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội), đến bây giờ vẫn nhớ như in, mà dư luận khắp nơi đều vô cùng phẫn uất. Sau trọn một năm nỗ lực điều tra, ngày 30/12/2008, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thuận.

Trước các điều tra viên, Thuận khai rằng, vì tức người anh chồng là anh Nguyễn Chí Hưng đã bênh em trai là anh Nguyễn Chí Tuấn khi góp ý với Thuận về cách cư xử vợ chồng cho phải đạo, chị ta đã thuê hai gã thợ xây đổ xăng qua khe cửa xếp nhà anh Hưng và phóng hỏa, khiến vợ chồng anh Hưng và con gái là cháu Thảo Hiền tử vong.

Qua hai cấp xét xử của Tòa án Quân sự, ngày 1/12/2010, Thuận bị kết án tù chung thân về tội "giết người", các đồng phạm khác bị phạt tù có thời hạn. Mấy lần ra tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm, chưa ai trông thấy Thuận rơi nước mắt một lần nào. Chị ta ráo hoảnh, gương mặt cong cớn câng câng, có lúc giơ tay chỉ thẳng vào 3 di ảnh nạn nhân và nói những lời xúc phạm khiến người dân chứng kiến phiên tòa bức xúc, la ó, thậm chí ném chai lọ, hoa quả về phía Thuận.

Chưa hết, khi đã "ung dung" với mức án chung thân, nghĩa là biết mình đã thoát án tử và đương nhiên còn được tồn tại trên cuộc đời, từ trong trại giam, Thuận đã tìm cách gửi thư về cho cậu con trai là Nguyễn Trung Kiên, hòng gieo rắc vào đầu óc non nớt của cậu bé những suy nghĩ xấu về anh Nguyễn Chí Tuấn.

Điều đó cũng có thể thông cảm rằng với tâm địa ích kỷ của một người đàn bà, khi Thuận đang muốn "lấy lòng" cậu bé, nhưng điều không thể chấp nhận được, đó là chị ta đã đổ hết tội lỗi cho chồng mình, thậm chí Thuận còn xui con về hỏi anh Tuấn: "Bố hại mẹ để mẹ phải đi tù có trời đất biết, đêm về bố có ngủ ngon không? Đêm có thấy bác Hưng về đứng ở đầu giường không?"

Vụ cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng
Chị ta ráo hoảnh, gương mặt cong cớn câng câng

Không hiểu người đàn bà ấy có hiểu rằng sự trơ tráo, trắng trợn, nham hiểm, sẵn sàng thay đen đổi trắng của mình sẽ là những mầm độc, ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển nhân cách của cháu Kiên sau này. Điều đó cũng chứng tỏ, cho đến bây giờ, Thuận vẫn không hề ân hận khi đã cướp đi mạng sống của 3 người, một người là anh chồng, một người là bạn thân từ thuở chăn trâu cắt cỏ với Thuận (chị Hà - vợ anh Hưng là hàng xóm với Thuận ở quê Yên Bái), bé Thảo Hiền - một bé gái đẹp như thiên thần, trước khi từ giã cõi đời vẫn giương đôi mắt trong veo nhìn trân trối những người đến thăm như muốn hỏi:"Tại sao cháu lại phải chết tức tưởi như vậy?".

Quyết định cưỡng chế gây tranh cãi

Khi hành vi phạm tội của Thuận chưa bị phát hiện, vào tháng 4/2008, anh Nguyễn Chí Tuấn đã gửi đơn lên TAND huyện Từ Liêm xin ly hôn với Thuận. Trong thời gian tòa thụ lý đơn thì Thuận bị bắt, nên vụ xử ly hôn phải tạm đình chỉ. Đến tháng 6/2011, anh Tuấn tiếp tục có đơn xin ly hôn với Thuận. Từ trại giam, Thuận có văn bản đồng ý thuận tình ly hôn với Tuấn và ủy quyền cho em trai là Nguyễn Văn Hưng giải quyết về vấn đề tài sản.

Ngày 21 và 28/9/2012, TAND huyện Từ Liêm đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của vợ chồng Tuấn - Thuận. Cháu Kiên thuộc quyền nuôi dưỡng của anh Tuấn. Tuy nhiên, việc chia tài sản gặp nhiều khó khăn trong việc phân định khối tài sản trước và trong thời kì hôn nhân của hai người.

Anh Tuấn kết hôn với Thuận từ năm 2001 và con trai họ là cháu Nguyễn Trung Kiên, năm nay đã l0 tuổi. Trước khi đăng kí kết hôn, vào tháng 3/1999, Tuấn và Thuận đã chung tiền mua 1 mảnh đất nông nghiệp tại xóm Kho, xã Mỹ Đình của gia đình ông Trần Văn Hà. Thuận đứng tên trong giấy viết tay mua đất, còn anh Tuấn nhiều lần đứng tên cùng Thuận trong giấy trả tiền cho ông Hà.

Tại mảnh đất này, năm 2006 vợ chồng Tuấn đã xây một ngôi nhà kiên cố 5 tầng, liền kề với nhà anh Nguyễn Chí Hưng (anh trai Tuấn). Cùng năm 1999, vợ chồng Tuấn mua thêm 1 mảnh đất khác tại xóm Chợ, thôn Phú Mỹ với giá 120 triệu đồng và chuyển đến ở tại ngôi nhà này, còn ngôi nhà ở xóm Kho thì cho thuê. Tháng 11/2007, vợ chồng Tuấn ly thân, anh Tuấn thuê nhà ở riêng trên phố Đào Tấn, còn cháu Kiên vẫn ở với Thuận tại nhà trong xóm Chợ.

Tháng 5/2008, Thuận tự ý bán ngôi nhà trong xóm Chợ cho anh Nguyễn Văn Cảnh, với giá 3.242.000.000 đồng. Về sau, do anh Tuấn phát hiện việc bán nhà của Thuận nên anh Cảnh đã tự nguyện đưa cho anh Tuấn 2,5 tỉ đồng.

Sau khi Thuận bị bắt, anh Tuấn chuyển về ở cùng cháu Kiên tại ngôi nhà ở xóm Kho. Quá trình TAND huyện Từ Liêm thụ lí đơn khởi kiện chia tài sản, anh Tuấn đã phát hiện Thuận cung cấp tài liệu giả mạo về chi phí xây dựng ngôi nhà ở xóm Kho cho Tòa án huyện Từ Liêm, nhằm chứng minh Thuận mới là người bỏ tiền ra xây nhà.

Cụ thể là Thuận đã giả mạo chữ viết và chữ kí của anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Hoàng, xã Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội - (là người đã thi công cửa hoa, cửa sắt của ngôi nhà).

Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Từ Liêm đã yêu cầu anh Tuấn phải trả cho Thuận ngôi nhà ở xóm Kho, đồng thời phải trả cho Thuận số tiền 2,5 tỉ đồng mà anh Cảnh đã đưa riêng cho anh Tuấn. Bản án này không đề cập gì đến quyền lợi của anh Tuấn và cháu Kiên. Anh Tuấn đã làm đơn kháng cáo, và Tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên xử anh Tuấn chỉ được hưởng 1/5 giá trị ngôi nhà ở xóm Kho, khoảng 200 triệu đồng.

Tuyên Thuận phải trả cho anh Tuấn 2,3 tỉ đồng số tiền bán ngôi nhà trong xóm Chợ. Cộng cả hai khoản, Thuận phải trả cho anh Tuấn 2,5 tỉ đồng. Nhưng vì anh Tuấn đã được anh Cảnh đưa thêm 2,5 tỉ đồng trước đó, đúng bằng số tiền Thuận phải trả cho Tuấn, do đó, Thuận không phải trả thêm cho anh Tuấn đồng nào! Còn anh Tuấn phải trả lại ngôi nhà xóm Kho cho Thuận. Bản án có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2013.

Anh Tuấn cho biết, bản án này tuy đã xét đến công sức, tiền đã đóng góp của anh, nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Điều quan trọng là tòa đã xử dựa trên các tài liệu thu thập từ giai đoạn sơ thẩm, mà theo anh Tuấn là có dấu hiệu "không minh bạch" và giả mạo.

Sáng 1/8, Đội Thi hành án TAND huyện Từ Liêm đã thực hiện lệnh cưỡng chế thu hồi ngôi nhà tại xóm Kho cho người được Nguyễn Thị Thuận ủy quyền về tài sản là em trai chị ta. Dù biết, khi ngôi nhà được thu hồi, tức là bố con cháu Kiên phải ra đường, nhưng Thuận không hề có một động thái nào để đề nghị cơ quan Thi hành án xem xét đến quyền lợi của cháu Kiên trong ngôi nhà đó.

Thuận cũng như gia đình chị ta không cần biết ngày mai cháu Kiên sẽ ở đâu, sẽ ăn ngủ thế nào. Tình mẫu tử trong con người Thuận, vốn được nhiều người giàu lòng nhân ái hi vọng vẫn còn, nhưng trước quyền lợi vật chất, hình như nó đã biến mất, kể cả là với con trai mình.

Vụ cô giáo thiêu sống cả nhà anh chồng
Nỗi đau của những người mất người thân

Cháu bé 10 tuổi kêu cứu

Rất đông người dân đã đến chứng kiến buổi cưỡng chế. Nhưng một cảnh tượng đau lòng khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải xót xa. Ở trên tầng hai ngôi nhà, cháu Kiên đeo khăn tang, cùng bà nội là Hoàng Thị Huỳnh năm nay đã ngoài 80 tuổi, dâng cao 3 di ảnh của các nạn nhân đã bị Thuận thiêu sống trước bàn thờ nghi ngút khói hương, hét lên những tiếng khản cổ: "Các bác ơi đừng lấy nhà của cháu. Mẹ Thuận ơi, sao mẹ lại đuổi con ra đường", khiến người dân vô cùng bức xúc và thương xót cháu bé. Và cuối cùng, trước sự phản đối quyết liệt của người dân, việc cưỡng chế đã phải tạm hoãn.

Bà Huỳnh - bà nội của cháu Kiên cho biết: "Cách đây mấy tháng, anh Tuấn - bố cháu Kiên đã đi lấy vợ ở Hải Dương, giờ trong nhà chỉ có hai bà cháu sống cùng nhau. Tôi không hiểu tại sao khi quyết định thu hồi nhà cho chị Thuận, tòa án không xem xét đến quyền lợi của cháu Kiên".

Chúng tôi thiết nghĩ, bất cứ một quyết định nào của pháp luật đưa ra cũng phải thấu tình đạt lý. Còn nhớ, khi xét xử vu án ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu, khi kê biên tài sản của bị cáo, TAND TP Hà Nội đã tuyên tịch thu ngôi nhà của Trường, nhưng để cho các con bị cáo một phòng trên tầng 2 để các cháu sinh sống khi cả bố và mẹ đều đi tù. Đó là sự nhân đạo của pháp luật, khiến tại tòa, vợ chồng bị cáo cũng phải rơi nước mắt vì cảm động. Nên chăng, với trường hợp của cháu Kiên, TAND huyện Từ Liêm cũng cần tính đến việc tạo điều kiện cho cháu được hưởng quyền lợi được sống trong chính ngôi nhà của mình?

Lời kêu cứu của đứa trẻ 10 tuổi, được viết bằng những nét chữ còn non bấy khiến chúng ta không thể vô cảm: "Cháu được bố cháu bảo, ngày 1/8/2013, cháu phải ra khỏi nhà mà cháu đang ở, để trả nhà cho mẹ cháu là mẹ Thuận đang ở tù. Mẹ cháu đã đốt nhà bác Hưng, bác Hà và chị Thảo Hiền đã bị chết. Cháu rất yêu chị Thảo Hiền. Bây giờ chị đã chết, cháu không có chị để chơi, cháu rất buồn. Nay mẹ cháu lại lấy lại nhà, đuổi cháu ra ngoài đường thì cháu biết ở đâu... Cháu rất buồn nên viết thư kêu cứu này mong các ông, các bà, các cô, các chú cứu cháu để cháu được ở ngôi nhà thân quen của cháu".

Theo CSTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích