Hỏa hoạn xảy ra liên tiếp ở các dự án nhà chung cư giá rẻ tại Hà Nội gần đây cùng nhiều sự cố bong tróc tường chung cư, ẩm ướt sàn, nền nhà khi mưa bão của các dự án nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp thời gian vừa qua... khiến dư luận lo ngại. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, nhà quản lý đều cảnh báo tình trạng thiếu trách nhiệm, lơ là trong phòng chống cháy nổ và chất lượng các công trình nhà giá rẻ hiện nay.
Cháy nổ ở chung cư CT4 Xa La gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân |
Từ chuyện lơ là đến "ngó lơ"
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Trong quy định từ phê duyệt quy hoạch, thiết kế thi công đến vận hành, chất lượng công trình, các yếu tố đảm bảo phòng chống cháy nổ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Không thể có chuyện nhà giá rẻ nhưng chất lượng cũng rẻ, khiến tính mạng và tài sản của người dân luôn bị đe dọa được”.
Theo ông Châu, các dự án nhà ở giá rẻ đã và đang được khuyến khích đầu tư và đang chiếm được cảm tình rất lớn của người dân. Giá nhà tiệm cận với nhiều người tiêu dùng, giúp cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp ngày càng hiện hữu. Tuy nhiên, người mua chung cư giá rẻ đang phải đối mặt với nhiều hệ quả, hết sập trần nhà do bong tróc sơn, tường, ẩm mốc do mưa nhiều, chất lượng công trình kém đến vấn đề hỏa hoạn xảy ra. Nếu vấn đề an toàn cho người dân tiếp tục báo động ở các dự án chung cư giá rẻ, tâm lý người dân về thị trường này sẽ rất xấu”.
Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, rà soát toàn bộ các dự án chung cư cao tầng của doanh nghiệp Mường Thanh trên địa bàn Hà Nội, Cảnh sát PC&CC Hà Nội nhận định, doanh nghiệp này đầu tư không đầy đủ cơ sở hạ tầng cho hệ thống phòng cháy và chữa cháy của các tòa nhà.
“Trong nhiều dự án, thay vì làm tốt các yêu cầu về phòng chống cháy nổ đã được quy định nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân, chủ đầu tư chỉ mải bán các căn hộ của mình. Lực lượng PC&CC có nhiều kiến nghị song chủ đầu tư không tiếp thu, không thực hiện, thậm chí có thái độ chống đối với những kiến nghị này.” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Đánh giá về hiện trạng tuân thủ các quy định phòng chống cháy nổ tại các dự án chung cư cao tầng, TS Trần Chủng, Trưởng Ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện công tác PCCC đang bị nhiều ban quản lý lẫn chủ đầu tư chung cư lơ là và đây là câu chuyện đã từng diễn ra từ nhiều năm nhưng đến nay chưa được khắc phục.
Cụ thể, ông Chủng dẫn giải, ví dụ như khi xảy ra vụ cháy tại tầng hầm chung cư CT4 Xa La của Tập đoàn Mường Thanh, người ta mới phát hiện ra những bất ổn và những nguy cơ tiềm ẩn đối với công tác phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng.
Trong khi chủ đầu tư đua nhau xây nhà cao tầng để bán cho khách hàng thì hệ thống PCCC của nhiều tòa nhà không được đầu tư, bảo trì dẫn đến thiếu hụt, hỏng hóc, khi có sự biến không hoạt động được. Quy định các nhà cao tầng từ thiết kế đến thi công, các biện pháp PCCC phải được thẩm định, giám sát kỹ lưỡng và phải được cơ quan chức năng phê duyệt mới được cho dân vào ở. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này vẫn chưa nghiêm.
"Không thể vì giá rẻ nên qua loa, đại khái"
“Không thể và không nên coi nhà giá rẻ nên cái gì cũng rẻ, qua loa đại khái. Theo tôi, Hà Nội nên tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống chung cư trên địa bàn, kể cả chung cư mới và cũ, chung cư thương mại lẫn chung cư giá rẻ để đảm bảo an toàn cho dân sinh sống”, TS Chủng nhấn mạnh.
Về chất lượng và độ an toàn của các dự án nhà giá rẻ tại Việt Nam, theo ông Lê Hoàng Châu, nhà giá rẻ khá phổ biến trên thế giới, nó nhấn mạnh đến yếu tố về giá rẻ và đối tượng người khách hàng có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, yếu tố rẻ này lại được các chủ đầu tư tranh thủ bớt xén đi các tiện ích và yếu tố an toàn cho con người.
“Cung ứng các dự án nhà ở không chỉ cho khách hàng nơi ở mà còn là không gian sống và tái tạo sức lao đông. Người dân không thể sống ở nơi mà họ lo ngay ngáy cháy nổ và sợ hãi ngày đêm được. Không thể chấp nhận một chung cư cao tầng chỉ có hai thang máy, các thang bộ bị khóa, điện mất và các thiết bị PCCC xuất hiện theo kiểu “trưng bày” được”, ông Châu nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam: “Về nguyên tắc, khi có 5% dân vào ở tại chung cư, chủ đầu tư phải lập ban quản lý để lo các vấn đề an ninh, an toàn, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người dân như điện, nước, đảm bảo trực chống cháy nổ và hỏa hoạn cho người dân. Tuy nhiên, rất nhiều dự án nhà chung cư hiện nay dù có người dân vào ở một thời gian vẫn chưa có ban quản lý. Thậm chí, khi có ban quản lý rồi, các quyền lợi tối thiểu của người dân cũng không được đảm bảo”.
Ông Liêm nhấn mạnh: “Người dân mua nhà cần được đảm bảo mọi quyền lợi và được pháp luật bảo hộ. Họ không đủ chuyên môn, chức năng hay quyền hạn để “soi” từng thiết bị PCCC, chất lượng công trình. Các sự việc như bong tróc tường, ẩm ướt nền, sàn nhà khi mưa lũ, cháy nổ khi hỏa hoạn xảy ra là trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý và một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng”.
Theo Dân Trí.