Thủ khoa hụt hẫng vì bị ngừng cấp học bổng du học

Thứ ba, 22/05/2012, 09:35
Bỏ ra gần hai năm để học ngoại ngữ, chuẩn bị hành trang cho ngành mà mình đăng ký theo học để rồi đột nhiên nhận được thông báo không được giải quyết du học, sinh viên trúng tuyển đề án 322 đang lo lắng, hoang mang và hụt hẫng.

>> "Chuyện hài" của Đề án 322
>> Bộ GD & ĐT phải giải quyết vụ dừng đề án 322

Trưa 21/5, Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) tổ chức buổi gặp mặt những ứng viên bị trì hoãn kế hoạch du học bằng ngân sách nhà nước. Không giấu sự thất vọng, thủ khoa của các thủ khoa 2010 Tăng Văn Bình cho biết, sau khi học một học kỳ ở ĐH Ngoại thương, em đã bảo lưu kết quả để đi học thêm tiếng Anh chuẩn bị du học theo đề án 322.

Hơn một năm dùi mài sách vở, Bình đã vượt qua được kỳ thi, lấy được chứng chỉ ngoại ngữ và gửi hồ sơ sang Mỹ để xét du học ngành Kinh tế.

"Trường học tại Mỹ đã đồng ý tiếp nhận em, gửi thư mời nhập học. Em chỉ chờ làm visa để sang nhập trường nữa là hoàn tất. Thế nhưng giờ lại vướng phải vấn đề kinh phí, đề án 322 tạm dừng. Em không biết sẽ phải làm gì vào lúc này nữa", Bình nói.

Cùng chung nỗi lo với Bình, Phạm Đức Hùng, chủ nhân huy chương vàng Olympic Quốc tế môn Toán năm 2009 trúng tuyển du học tại Mỹ theo đề án 322 cho hay, đạt huy chương khi mới học lớp 11 nên em mất 1 năm để học xong chương trình phổ thông.

Do quy định ở Việt Nam để du học bằng ngân sách nhà nước ứng viên phải đang theo học tại một trường đại học nên Hùng đã lựa chọn ĐH Ngoại thương và theo học tại đây 1 năm.

"Sau đó em bảo lưu đại học, tập trung học ngoại ngữ theo kế hoạch của Bộ để đi du học. Em mất hơn 1 năm để học tiếng Anh. Sau đó về quê ở Hải Phòng từ 9/2011 để làm thủ tục, hồ sơ. Hiện em đã hoàn tất, được trường ở Mỹ gửi phản hồi đồng ý cho theo học. Thông báo dừng giải quyết du học của Bộ làm em cảm thấy vô cùng hụt hẫng", Hùng cho hay.
 

Ứng viên trúng tuyển du học bằng ngân sách nhà nước và phụ huynh bức xúc bày tỏ ý kiến sáng 21/5. Ảnh: Hoàng Thùy.

 

Phụ huynh em Ngô Mai Hạnh (trúng tuyển năm 2011) cho rằng, hướng giải quyết mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong thông báo 375 là chưa thỏa đáng. Đối với các em được lựa chọn năm 2011, quyết định được đưa ra căn cứ vào đề án, ngân sách để tuyển dụng.

Hơn nữa, gia đình cũng đã đầu tư cho em đi học ngoại ngữ suốt 2 năm ròng, việc Bộ Giáo dục gửi thông báo 375 như một gáo nước lạnh dội xuống đầu cả học sinh và phụ huynh.

"Con chúng tôi đã chuẩn bị đi học ở nước đăng ký, giờ Bộ đột ngột bảo dừng, hoặc chuyển sang một nước khác như vậy có thỏa đáng không? Các cháu sẽ học tiếng thế nào? Từ khi nhận được thông báo của Bộ, cả gia đình và các cháu đều hoang mang, hoảng loạn và mất niềm tin", vị phụ huynh cho hay.

Ông kể, khi cầm tờ thông báo trên tay, con gái ông đã gọi điện cho bạn bè trong nhóm chuẩn bị du học hỏi han tình hình. Sự lo lắng khiến em bơ phờ, mệt mỏi. Người bố cũng cho rằng Bộ Giáo dục không thể bảo các em chuyển sang một đề án khác khi đã mất gần 2 năm học ngoại ngữ và tương lai chưa có gì đảm bảo là sẽ được đi du học.

Anh trai của sinh viên Lê Thị Hồng Nhung (trúng tuyển đi học tại Pháp) cũng đặt câu hỏi, tại sao một đề án đã được nghiên cứu kỹ lượng qua ba Bộ, rồi giao về cho Bộ Giáo dục tuyển chọn sinh viên, lập danh sách lại có thể tuyển vượt chỉ tiêu 598 người?

"Bộ nói rằng do tuyển sinh đi học thạc sĩ, tiến sĩ quá nhiều, vậy tại sao lại ảnh hưởng đến sinh viên hệ đại học", phụ huynh em Nhung bức xúc.

Bố của sinh viên Vũ Diệu Linh (trúng tuyển du học Pháp) cũng cho rằng, Bộ đánh giá đề án 322 thành công rực rỡ nhưng khi các ứng viên đã học tiếng và chuẩn bị mọi thứ để đi học thì lại bị dừng là không hợp tình hợp lý. "Giờ con em chúng tôi học tiếng Pháp lại bảo đi học ở một nước khác thì các cháu xoay xở thế nào", ông chất vấn.

Vị phụ huynh cho rằng, thời hạn đăng ký (1/6) mà Bộ đưa ra cũng là đánh đố sinh viên và đưa phụ huynh vào thế bị động. "Trong thời gian ngắn ngủi vài ngày làm sao chúng tôi có thể quyết định chờ đề án khác hay đi một nước không đúng như yêu cầu? Chờ thì đến bao giờ có đề án thay thế, mà đi thì việc học ngoại ngữ lại bắt đầu lại với hơn 1 năm", bố sinh viên Linh băn khoăn.

Ông chia sẻ, con gái và nhiều sinh viên khác đã phải bảo lưu kết quả đại học để đi học ngoại ngữ. Nếu không được du học, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tương lai của các cháu.

"Không thể đơn giản bảo các cháu cố gắng học 2 năm, rồi bây giờ bảo không có điều kiện đi học, mong thông cảm được. Bộ phải sớm cho chúng tôi biết hướng giải quyết. Tại sao một việc quan trọng như vậy mà không bàn với ứng viên, không thông báo rộng rãi trên website của Bộ", bố sinh viên Linh nói.
 

Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang trả lời thắc mắc của ứng viên. Ảnh: Hoàng Thùy.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nguyện vọng, Bộ phải làm cách nào đó để kéo dài đề án hoặc tìm cách cho các cháu được đi học ở nước mà các cháu đã chuẩn bị hành trang.

"Em muốn đi du học ở Mỹ theo đúng ngành mà em đã lựa chọn. Để có được thư mời nhập học của trường nước bạn, em đã phải cố gắng rất nhiều, mẹ cũng phải chắt chiu cho em ăn học. Nếu không được đi, chúng em lỡ dở 2 năm và chịu áp lực bạn bè rất lớn", thủ khoa Tăng Văn Bình nói.

Ứng viên đi học thạc sĩ ở Pháp Ngô Thị Hồng Nhung cũng tha thiết mong Bộ giải quyết cho những người chưa đi du học được học đúng chuyên ngành ở nước đăng ký.

Trả lời thắc mắc của phụ huynh, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang giải thích, thời hạn 1/6 mà Bộ nói đến là vì đa số học bổng đi học nước ngoài đến tháng 6 phải gửi hồ sơ đi, nên phải đăng ký. Nếu không đăng ký thì phải chờ đề án khác.

"Các em có nhu cầu gì thì cứ gửi thư về Cục. Chúng tôi đã trả tiền cho các cơ sở đào tạo ngoại ngữ để các em đi học nên không muốn gặp sự cố này. Vướng ở đây là lỗi kỹ thuật, năm 2011 gửi tăng số lượng thạc sĩ nên dính vào phần tiền của đề án 322. Nếu chuyển những đối tượng này sang 911 thì vấn đề này sẽ được giải quyết", Cục trưởng Vang thông báo.

Ông cho biết, Bộ đang rất tích cực gửi đề nghị lên Chính phủ, thuyết phục đồng ý phương án giải quyết của Cục để đảm bảo quyền lợi cho ứng viên. Nếu các em muốn đi ngay năm 2012 thì Bộ đã có chương trình, chỉ việc chuyển sang. Còn không thì phải chờ đề án khác nối tiếp 322.

Việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu Cục đã xin ý kiến của Bộ chứ không phải tự ý làm. Nhưng do kinh phí khó khăn nên Bộ Tài chính không đồng ý cho vượt chỉ tiêu. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã hứa sẽ gặp Thủ tướng nêu vấn đề này, xử lý cho ứng viên trúng tuyển nhưng chưa đi học, đảm bảo quyền lợi tối đa cho họ.

"Các em chưa được đi cứ yên tâm. Vấn đề không phải là không được đi nữa, mà là đi chuyến xe này hay chuyến xe sau thôi. Chúng tôi cũng không muốn các em quay lại trường đại học cũ, điều này là bất đắc dĩ", Cục trưởng Vang nói.


Theo VNE

Các tin cũ hơn