Bảo hiểm y tế toàn dân - “Phao cứu sinh” người bệnh

Thứ bảy, 29/09/2012, 13:46
Mặc dù người bệnh tuy có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn gặp nhiều khó khăn, phiền hà khi khám chữa bệnh, nhưng thực tế khẳng định, BHYT vẫn là một chính sách an sinh xã hội hữu hiệu nhất với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. Hơn nữa, trong khi nhiều địa phương và bệnh viện đang thực hiện áp dụng giá viện phí mới thì BHYT càng thể hiện rõ hơn vai trò với người bệnh về hiệu quả kinh tế…
 
Lao đao vì không có BHYT
 
Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, một trong những cơ sở ngoại khoa đầu ngành khu vực phía Bắc nên mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành đến khám và điều trị. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong số bệnh nhân cấp cứu, nhập viện hàng ngày có không ít trường hợp bị tai nạn, từ tai nạn giao thông tới tai nạn lao động trong tình trạng rất nặng.

Thế nhưng trong nhiều bệnh nhân nặng tới cấp cứu và điều trị ở bệnh viện lại không có thẻ BHYT nên người bệnh cũng như gia đình phải chịu tốn kém.

 
minhoa.jpg - 45.41 KB

 
Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân Nguyễn Minh T. (36 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) đang điều trị tại Khoa Xương khớp, nói: “Em gãy chân do tai nạn giao thông, phải mổ bắt vít nên chi phí phẫu thuật và thuốc men tốn vài chục triệu đồng nhưng vì không có BHYT nên cả nhà phải chạy vạy vay mượn, bán hết cả heo, gà mới đủ tiền nộp viện phí”.
 
Còn chị Lê Thị Phương (Sóc Sơn, Hà Nội) đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, ngao ngán: “Em vốn khỏe mạnh, gia đình không trong diện phải bắt buộc tham gia hay được BHYT hỗ trợ nên chẳng nghĩ tới việc mua BHYT phòng thân. Ai ngờ bỗng dưng bị chảy máu bao tử, phải nằm viện cấp cứu, chưa đầy một tuần đã tốn viện phí cả chục triệu đồng”.
 
Trong khi đó, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày, trong đó số bệnh nhân đến từ nông thôn và không có thẻ BHYT khá nhiều.
 
Có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân giảm được chi phí điều trị
 
BS Nguyễn Thành Lê, Khoa Điều trị tích cực cho biết, người bệnh vào đây, nhẹ cũng tốn 20 - 30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn bệnh nặng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chỉ riêng tiền thuốc, có trường hợp một ngày đã hết 10 triệu đồng, cứ thế nhân với số ngày nằm viện có khi kéo dài 2 - 3 tuần nên nếu không có thẻ BHYT quả thực là một gánh nặng rất lớn kinh tế cho gia đình. Vì thế đã có không ít trường hợp trốn viện, bỏ điều trị giữa chừng, thậm chí xin về… vì không đủ tiền chữa trị.

 
BHYT toàn dân
 
Thực tế, hiện nay chính sách BHYT cũng như người dân có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, phiền hà. Thế nhưng, rất nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân nghèo khi phải nằm viện điều trị, nhiều người mới thấm thía, biết đến giá trị của thẻ BHYT. Bởi lẽ, một năm chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua thẻ BHYT để khi có bệnh có thể được hỗ trợ lên đến vài trăm triệu đồng.
 
Mới đây, tại “Diễn đàn cấp cao về BHYT toàn dân” nằm trong khuôn khổ hội nghị của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu: So với các nước trong khu vực, mức đóng BHYT của người Việt Nam không cao, chỉ khoảng 550.000 đồng/người/năm nhưng người bệnh được những ưu đãi khá lớn như chi trả nhiều loại thuốc đặc trị đắt tiền và hàng loạt kỹ thuật cao.
 
Rõ ràng sự ưu việt của BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là không thể phủ nhận, nhưng hiện nay, số người dân tham gia BHYT vẫn còn hạn chế. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, cả nước chỉ khoảng 64% dân số có BHYT. Trước thực trạng này, Bộ Y tế mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
 
Vụ trưởng Tống Thị Song Hương cho biết thêm: Trong đề án này, mục tiêu lớn nhất là tăng số người tham gia BHYT để tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT. Đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 40% vào năm 2015 và dưới 30% vào năm 2020.

Bởi lẽ, hiện nay, ở nước ta, tiền chi trực tiếp từ hộ gia đình vẫn chiếm 49,3% viện phí và khoảng 70% tiền mua thuốc. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, chi phí này không nên vượt quá 30% - 40%.
 
Hiện Việt Nam chi 7% GDP cho y tế, Chính phủ cũng huy động nhiều nguồn lực cho tài chính y tế, tuy nhiên phải khẳng định rằng nhiều tiền chi cho y tế vẫn từ túi người bệnh. Đó là một thực trạng cần cải thiện…

Khi người nghèo bị bệnh, dù họ có đủ khả năng chi trả đi chăng nữa, chi phí điều trị vẫn thường làm họ lún sâu hơn vào khó khăn và khi điều đó xảy ra, họ thậm chí còn dễ bị ốm đau hơn, kết quả là đã nghèo lại nghèo thêm…
 
TS Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương


Theo Phunu

Các tin cũ hơn