Hôm qua, ông Ngô Sĩ Tồn, chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại tỉnh Hải Nam kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Nam Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal và Hãng tin Reuters về “quy định mới” mà tỉnh Hải Nam sẽ áp dụng để kiểm soát biển Đông.
"Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực, đó có thể bị xem là hành vi của bọn cướp biển và là hành vi gây chiến" Giáo sư Carl Thayer |
Ông Ngô Sĩ Tồn cho biết quy định này sẽ chỉ áp dụng từ ngày 1.1.2013 trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố là “đường cơ sở”.
Năm 1996, Trung Quốc chính thức công bố “đường cơ sở” cho đường bờ biển nước này và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974). “Đối với các đảo (trên biển Đông) mà đường cơ sở lãnh hải chưa được công bố, vấn đề trên không tồn tại” - ông Ngô Sĩ Tồn cho biết.
Quan chức tỉnh Hải Nam một lần nữa trắng trợn nhấn mạnh mục tiêu của quy định trên là nhắm vào ngư dân Việt Nam ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản.
“Quy định này nhắm vào các nước láng giềng thường xâm nhập vùng biển quần đảo Paracel (tên quốc tế của quần đảo Hoàng Sa) - ông Ngô Sĩ Tồn ngang ngược tuyên bố - Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập vùng biển Paracel. Trước đó chúng tôi chưa có cơ sở luật pháp để trừng phạt”.
Ngư dân, tàu thuyền xa bờ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào HTX sẽ nhận nhiều sự hỗ trợ để vươn khơi.
Ảnh: V.HÙNG
Ông Ngô Sĩ Tồn tiết lộ quy định bất hợp pháp này là “sáng kiến” của địa phương, nhưng đã được Bắc Kinh bật đèn xanh.
“Bắc Kinh không đưa ra các quy định này. Các cơ quan pháp luật địa phương triển khai sáng kiến đó - ông Ngô Sĩ Tồn cho biết - Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương phải báo cáo và xin ý kiến cấp trên có thẩm quyền”.
Trả lời phỏng vấn, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định sự kiện chính quyền Hải Nam ra quy định kiểm soát biển Đông bất hợp pháp và việc tàu Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 cho thấy các chính quyền địa phương Trung Quốc đang tiếp tục áp đặt chính sách đối ngoại thay cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Giáo sư Carl Thayer nói: “Các chính quyền địa phương Trung Quốc đang thực hiện các hành vi khiêu khích, gây hấn nhắm vào Việt Nam và Philippines dưới lá cờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.
Theo giáo sư Thayer, nếu chính quyền Hải Nam áp dụng quy định này ở các vùng tranh chấp trên biển Đông, nguy cơ đụng độ, thậm chí là xung đột vũ trang, sẽ nổ ra. “Nếu phía Trung Quốc sử dụng vũ lực, đó có thể bị xem là hành vi của bọn cướp biển và là hành vi gây chiến,” giáo sư Thayer nhấn mạnh.
“Việt Nam và Philippines đều tuyên bố sẽ đưa tàu tuần tra ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền. Đó là một quyết định cẩn trọng và khôn ngoan - giáo sư Thayer bình luận - Đồng thời Hà Nội và Manila cũng cần vận động thêm cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc. Hiện Ấn Độ, Mỹ và Singapore đều đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hoặc đòi Bắc Kinh giải thích rõ ràng. Đó là tín hiệu tốt”.
Trong khi đó, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, thư ký chương trình “Minh triết làm chủ biển Đông” của Trung tâm Minh triết Việt, nhận định hàng loạt chuỗi sự kiện gần đây, từ hộ chiếu đường lưỡi bò, chính quyền Hải Nam ra quy định phi pháp đến vụ gây đứt cáp tàu Bình Minh 02... cho thấy chính sách khiêu khích ở biển Đông là quyết định từ cấp trung ương Trung Quốc, được cấp thẩm quyền cao nhất hoạch định và thực hiện.
TUỔI TRẺ
Theo SGTT