Một ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết cuộc đối đầu Bắc-Nam, ngày 2/1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan kêu gọi Triều Tiên nhanh chóng đưa ra các quyết định đúng đắn và khôn ngoan bằng cách hợp tác với các nước láng giềng.
Diễn văn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đáng quan tâm vì không có những lời lẽ buộc tội lẫn nhau và cũng vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhân cơ hội năm mới để tuyên bố một cách công khai quan điểm của ông.
Bài diễn văn, do đài phát thanh và truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố, cũng đáng quan tâm vì lý do khác: Cha của Kim Jong Un, ông Kim Jong-Il đã qua đời trong tháng 12/2011, chưa bao giờ đọc diễn văn nhân dịp năm mới. Ông nội của ông Kim Jong Un, "Lãnh tụ vĩ đại" Kim Nhật Thành, đọc bài diễn văn cuối cùng nhân dịp năm mới năm 1994, khoảng 6 tháng trước khi qua đời.
Những phát biểu tương đối hạn chế của ông Kim Jong Un, không có trong tuyên bố văn bản trên các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên, đã tác động tích cực đến các nhà phân tích bất chấp các dấu hiệu trái ngược nhau của cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Mark Fitzpatrick, giám đốc chương trình cấm phổ biến hạt nhân của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược tại London, nhận xét bài diễn văn có ngôn từ ôn hòa và không phóng đại như nhiều chương trình tuyên truyền khác của Triều Tiên. Kim Jong Un cũng chú trọng đến vấn đề kinh tế và kêu gọi các lực lượng phản đối thống nhất ở Hàn Quốc từ bỏ chính sách thù địch chống những người đồng hương của họ và theo đuổi hòa giải dân tộc, đoàn kết và thống nhất đất nước.
Đặc biệt bài diễn văn của nhà lãnh đạo Triều Tiên không hề đề cập đến Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak hoặc Tổng thống kế nhiệm Park Geun-hye.
Bài diễn văn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể mang theo một thông điệp là để được viện trợ trở lại, Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của Hàn Quốc, chẳng hạn như tránh đưa ra các tuyên bố gay gắt, ít đe dọa tấn công Hàn Quốc ở Hoàng Hải hoặc vượt qua khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc dường như không chấp nhận ngay lập tức. Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc Yoo Woo-ik mô tả các nhận xét của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là “nhạt nhẽo” và “không có các đề nghị mang tính đột phá”.
Ông Fitzpatrick, một cựu quan chức cấp cao chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ, cảnh báo không nên coi các nhận xét của ông Kim Jong Un là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Triều Tiên.
Mặc dù quan tâm đến việc nối lại đối thoại với Triều Tiên, nhưng tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẽ cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo trên cơ sở các phản ứng của Triều Tiên.
Sắp tới, có khả năng hai bên sẽ đưa ra nhiều tuyên bố khi Hàn Quốc chính thức trở thành ủy viên không thường trực thời hạn 2 năm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2013. Hàn Quốc từng kêu gọi Liên hợp quốc tăng cường các biện pháp cấm vận chống Triều Tiên vì Bình Nhưỡng sử dụng tên lửa tầm xa để đưa một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo tháng 12/2012.
Thực tế, Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp cấm vận Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân ở lòng đất tháng 5/2009, nhưng nước này tiếp tục nhận được lương thực, nhiên liệu và các khoản viện trợ khác từ Trung Quốc.
Fitzpatrick cho rằng việc tăng cường các biện pháp cấm vận có thể có tác động tiêu cực. Ông cảnh báo Triều Tiên có thể tiếp tục vụ thử thiết bị hạt nhân lần nữa bởi vì Bình Nhưỡng dường như đã hoàn thành phần lớn công việc chuẩn bị cho vụ thử thứ ba.
Theo Vietnam+