Trước khi bức tượng của Hòa thượng Thích Thanh Tứ được làm như thật (tỷ lệ 1:1), ở Hà Nội cũng từng có nhiều bức tượng sáp giống hệt người thật. Tiêu biểu nhất là hai bức tượng có kích thước nhỏ, chiều cao chừng 40-50 cm tạc Hòa thượng Thích Bình Lương.
Cách đây khoảng một năm, đã xuất hiện nhiều tin đồn xuất hiện về pho tượng bỗng dưng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) khiến nhiều tăng ni Phật tử và những người tò mò kéo về chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, thực chất pho tượng là tác phẩm của những nghệ nhân khéo tay với tài xử lý chất liệu làm cho pho tượng có hồn và sống động như thật. Hiện tại, bức tượng này vẫn được đặt tại chùa Quán Sứ.
Ngoài ra, nếu đến cửa hàng gỗ mỹ nghệ trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), mọi người còn có thể tận mắt chứng kiến một pho tượng tương tự, cũng của Hòa thượng Thích Bình Lương. Pho tượng được đặt ở vị trí trang trọng nhất, tuy không lớn nhưng gây ấn tượng mạnh với các vị khách vì sự tinh tế như thật, đến từng sợi tóc như "đang mọc" phía gáy.
Pho tượng thể hiện hình hài nhà sư Bình Lương. |
Người chủ của pho tượng này cho biết, cửa hàng có cơ duyên rước về, làm hộp kính và bình phong bằng gỗ ngọc am. Pho tượng thể hiện hình hài của nhà sư Bình Lương, một chân tu người Việt rất danh tiếng ở Thái Lan trước đây. Ông qua đời tại Việt Nam năm 1964 sau những đóng góp lớn cho cuộc kháng chiến cứu nước.
Tên thật của Hòa thượng là Phạm Ngọc Đạt, bà con Việt kiều Thái (trước năm 1962) thân ái gọi cụ với danh “ông sư cụ Ba”. Hiện nay, mộ nhà sư Bình Lương ở khuôn viên vườn tháp của chùa Hoàng Ân, còn gọi là chùa Quảng An thuộc địa phận Quảng Bá, bên bờ hồ Tây (Hà Nội). Với lòng kính trọng, đã có người đặt làm pho tượng ngài ở Thái Lan và đưa về Việt Nam.
Từng sợi tóc được làm tỉ mỉ như mọc ra một cách tự nhiên trên đầu bức tượng. |
Theo nhiều thông tin, xuất xứ của pho tượng giống người thật y đúc này là từ Bảo tàng tượng sáp Thái Lan (Thai Human Imagery Museum), địa chỉ ở 43/2 Moo 1, đường Pinklao, Nakhon Chai Si, km 31, Huyện Chai Si, tỉnh Nakhon Phathom, cách trung tâm thủ đô Bangkok khoảng 60 km.
Bảo tàng được khánh thành tháng 12/1988. Ban đầu, Bảo tàng có quy mô khiêm tốn với 37 pho tượng chế tác từ chất liệu sợi thủy tinh và sáp, kích thước đúng bằng người thật. Trong đó có 15 pho các vị chân tu, cao tăng Phật giáo Thái Lan, 8 vị vua tiền nhiệm và nhà Vua đang trị vì ngai vàng ở Thái Lan, còn lại là các pho tượng mô tả người dân bình dị. Tất cả các pho tượng đều tinh xảo.
Theo thời gian, đội ngũ chuyên gia ở bảo tàng này không ngừng bổ sung các tác phẩm mới với các chủ điểm rộng rãi hơn phản ánh lịch sử Thái Lan và thế giới, sự tiến hóa của văn minh nhân loại.
Để có một pho tượng sáp chân thực cho bảo tàng, các nghệ sĩ, chuyên gia phải tuần tự tuân thủ theo 5 công đoạn: chuẩn bị nghiên cứu toàn diện, tỉ mỉ về ngoại hình, lai lịch nhân vật; thi công cốt tượng; đúc tượng; phủ sáp và cuối cùng hoàn thiện từng chi tiết cho tới trang phục.
Theo Ngoisao