Thả nổi thị trường sách tham khảo: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ở đâu?

Chủ nhật, 17/03/2013, 17:05
Trong lúc dư luận chưa hết “choáng” với chuyện “cổng trường cắm cờ Trung Quốc” trong quyển Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ (NXB Dân Trí) thì liên tiếp những ngày sau đó người ta lại phát hiện cờ Trung Quốc được in trong quyển Bé làm quen với chữ cái - NXB Đại học Sư phạm - Hà Nội, bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò” vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em (NXB Tổng hợp TP.HCM).

Tiếp theo, quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 (NXB Giáo Dục) lại bị dư luận “soi” là sách... sưu tầm.

Cầm cuốn sách Ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH môn toán chuẩn bị được xuất bản đón đầu mùa thi năm nay, một biên tập viên của một nhà xuất bản nọ chắc nịch: “Anh có thể tìm được vài chục cuốn có nội dung giống hệt hoặc na ná như quyển này trên thị trường”.

Thực tế, khâu thẩm định ban đầu của NXB đang là khâu yếu nhất. Lý do: các NXB hiện chỉ chạy theo chỉ tiêu đầu sách để lấy quản lý phí (thực chất là bán giấy phép); các biên tập viên của các NXB đang bị biến thành những “nhân viên tiếp thị” khi họ được giao chỉ tiêu, được hưởng tiền trên đầu sách đã XB.

Giám đốc một NXB cho biết, tiền công biên tập tại các NXB hiện rẻ đến mức không thể tưởng nổi, khoảng 2.500 - 3.000đ cho mỗi trang A4, nghĩa là một quyển sách 300 trang khổ A4 chỉ được 750.000 - 900.000đ.

“Vậy nên mới có chuyện, buổi tối biên tập viên ngồi nhậu với đại diện công ty sách (đơn vị liên kết), sáng hôm sau bản thảo 1.000 trang đã được ký”, vị này thú thực.

Sách giáo khoa

Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-giáo dục-thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, việc NXB ra sách tham khảo là quyền của họ, song để đưa sách vào nhà trường thì cần có hội đồng thẩm định nghiêm ngặt.

Nếu cho trẻ học theo những cuốn sách chưa qua thẩm định của Bộ GD-ĐT thì không khác gì mình tiêm thuốc chưa qua kiểm định của Bộ Y tế cho các cháu.

Như vậy, Bộ GD-ĐT không thể không liên quan đến chất lượng sách tham khảo “trời ơi” hiện nay.

Sau những phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ GD-ĐT lập tức ban hành văn bản đề nghị các cơ sở không sử dụng những sách tham khảo có sai sót.

Đồng thời, như để thanh minh với dư luận, Bộ GD-ĐT nhắc lại văn bản Bộ từng ban hành từ năm học 2008-2009 về việc chỉ đạo các sở GD-ĐT trong vấn đề sử dụng các loại sách tham khảo.

Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn, khi mua tài liệu tham khảo cần kiểm tra kỹ để lựa chọn các cuốn sách có nguồn gốc rõ ràng, có nội dung phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục theo quy định; tuyệt đối không lưu hành và sử dụng các loại sách, xuất bản phẩm không phù hợp với pháp luật, văn hóa - xã hội và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc nội dung công văn và báo cáo về Bộ trước ngày 20/3/2013.

Giữa rừng sách tham khảo với chất lượng “thượng vàng hạ cám” như hiện nay, việc giao trách nhiệm tự thẩm định cho cơ sở cũng đồng nghĩa với “hên, xui”.

Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng, đối với sách tham khảo, Bộ GD-ĐT không có trách nhiệm thẩm định, trừ khi có những đơn vị làm sách tham khảo mời chuyên gia nào đó của Bộ GD-ĐT tham gia.

Sách giáo dục (không kể sách giáo khoa đã được Nhà nước quản lý) bao gồm các sách tham khảo có liên quan đến chương trình sách giáo khoa và các loại sách có liên quan đến giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tâm hồn… cho trẻ, nên chăng chỉ giao cho những NXB có đủ năng lực và chuyên môn (để thực hiện tốt khâu thẩm định).

Cuối cùng, dù là rất khó, nhưng lại vô cùng quan trọng, đó là các bậc phụ huynh cần biết lựa chọn những quyển sách tốt thì những quyển sách kém chất lượng chắc chắn sẽ không thể tồn tại.

Theo PhunuOnline

Các tin cũ hơn