Khi phải chứng kiến quá nhiều biển hiệu quảng cáo, những lỗi sai chính tả triền miên của học trò cũng như của người lớn, chuyên gia Đinh Đoàn đã đăng tải trên trang cá nhân của ông một loạt bức ảnh biển hiệu sai chính tả với những lỗi sai rất phổ thông và thật buồn cười.
Cấm đổ rác phiên bản "Gi". |
Phiên bản "d". |
Biển cấm cũng bị sai. |
Thư "rãn". |
Người "chốn" nợ. |
Các món sống "trín". |
Uốn "soăn", tẩy "lốt" ruồi. |
Cấm để xe "chước" nhà. |
Chỉ một cụm từ "Cấm đổ rác" cũng có thể bị tam sao thất bản thành nhiều từ nào là cấm đổ dác đến cấm đổ giác…, rồi đi vệ sinh biến thành đi vệ xinh, rồi sống chín cũng biến thành một từ lạ hoắc chưa từng có trong từ điển “sống trín”, hay chước cửa nhà….
Dạo một vòng trên các con phố lớn nhỏ chúng ta cũng có thể dễ dàng bằng gặp những hình ảnh “lệch chuẩn” như thế. Việc sai chính tả một phần là do cách phát âm sai, không ít người nói ngọng nên khi viết không phân biệt được đâu là đúng là sai. Đặc biệt sai phổ biến nhất là các âm tiết r/d/gi, s/x, n/l, ch/tr, dấu ngã, dấu sắc…
Không chỉ người lớn sai mà ngay cả những em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng bị sai chính tả triền miên. Chính việc học chính tả không chắc ngay từ khi còn học khiến cho việc viết sai, nói sai càng trầm trọng hơn khi lớn lên. Chính vì thế để hạn chế được việc sai chính tả có lẽ chính các bạn học sinh cần phải chỉnh sửa lỗi sai của mình.
Ngay khi chuyên gia Đinh Đoàn treo những tấm biển viết sai chính tả này lên trang cá nhân, nhiều người khác đưa ra nhận xét rằng việc nói ngọng viết sai chính tả là rất phổ biến từ người già đến trẻ nhỏ ở các vùng quê đặc biệt như Hải Dương, Hưng Yên… Trong đó có ý kiến khẳng định việc sai chính tả xuất phát từ việc "nói sai, cũng giống như bị ốm do có bệnh".
Với nhiều người, nói ngọng là một "đặc sản" vùng miền và rất khó bỏ. Tuy nhiên, việc nói ngọng, viết sai chính tả đôi khi đem đến những phiền toái, thậm chí khiến người đối diện phải bật cười.
Các bạn trẻ của chúng ta cũng không ngoại lệ chút nào. Khi hàng ngày vẫn có vô số bạn viết sai, nói sai. Dễ nhận thấy nhất chính là những dòng status trên mạng xã hội của các bạn trẻ: “Sắp chễ giờ đi xem phim rồi”, "Trờ người nơi ấy, lắm chặt tay em anh nhé, hôm nay mình mua được cái áo dẻ quá…".
Không chỉ người bình thường nói sai, viết sai mà đôi khi chính những nghệ sĩ có tiếng, hay thầy cô giáo, rồi sách giáo khoa cũng không ngoại lệ. Việc sai chính tả đã xảy ra từ rất lâu và dường như ngày càng phổ biến. Một câu hỏi đặt ra là không biết đến khi nào căn bệnh sai chính tả này mới được chữa khỏi.
Theo VTC