Ông Tiến thể hiện quan điểm ủng hôn nhân đồng giới trong bản Tham luận về “Quyền dân sự, hôn nhân gia đình của cá nhân dưới góc độ y tế - bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung” gửi về Bộ Tư pháp để phục vụ cho buổi họp trực tuyến tổng kết 13 năm thi hành Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000 sẽ tổ chức vào ngày mai (16/4).
Ông Tiến cho rằng, người đồng tính cũng có quyền được sống thực với những gì mình có. (Ảnh: Maika Elan) |
Bên cạnh đó, đứng ở góc độ y tế thì đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (gọi chung là người đồng tính) không phải là một loại bệnh. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần.
Theo ông Tiến, Luật Hôn nhân có khoản quy định cấm kết hôn "giữa những người cùng giới tính" là do những người cùng giới tính kết hôn với nhau đi ngược lại truyền thống đạo đức, trái với tự nhiên, không phù hợp với chức năng của gia đình là duy trì nòi giống hay vì lo ngại rằng nếu pháp luật cho phép kết hôn đồng tính có thể kéo theo nhiều hệ lụy, như việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính…
Từ việc cấm đoán này dẫn đến rất nhiều người đồng tính thường không công khai giới tính thực của mình vì sợ sự kỳ thị, xa lánh từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người đồng tính sống dưới một vỏ bọc khác, không sống thật với giới tính của mình. Sự lừa dối này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho những người trong cuộc.
Ông Tiến dẫn chứng sự tác động này đến nhóm đối tượng đồng tính. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) về người đồng tính nam, 90% người đồng tính cảm thấy xã hội có thái độ tiêu cực với người đồng tính, từ đó có đến 86% trong số họ phải che giấu chuyện tính dục của mình với mọi người xung quanh. Hầu hết họ gặp phải sự định kiến và kỳ thị của gia đình và bạn bè.
Trong 1.800 người tham gia trả lời, vì việc họ đồng tính mà có 20% số này nói họ đã mất bạn, 15% bị gia đình la mắng, 6,5% mất việc, 4,5% bị đánh và 4,1% bị đuổi ra khỏi nhà. Ngoài ra, họ còn có thể bị bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý, bạo lực tình dục và các hình thức ép người đồng tính đi chữa bệnh tâm thần.
Việt Nam chưa cho phép hôn nhân đồng giới, nhưng nhiều nước trên thế giới đã cho phép người đồng giới kết hôn. Tính đến ngày 15/6/2012 trên thế giới đã có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, 21 quốc gia, 19 lãnh thổ thừa nhận kết hợp dân sự giữa những người đồng tính và 3 quốc gia công nhận việc chung sống không đăng ký giữa những người cùng giới tính.
Đủ 18 tuổi mới được kết hôn Bộ Y tế cũng kiến nghị Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi quy định nam từ đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi được kết hôn, thay cho quy định nữ từ 18 tuổi trở lên và nam từ 20 tuổi trở lên như trong Luật Hôn nhân gia đình đang áp dụng hiện nay. “Về tuổi, lứa tuổi 10-19 tuổi (còn gọi là vị thành niên) là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, thể hiện ở sự phát triển của cơ quan sinh dục và cơ thể nói chung, chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động sinh sản. Mặc dù hiện nay tuổi dậy thì, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu có xu hướng sớm hơn nhưng không có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành, hoàn thiện cả về sinh lý lẫn tâm lý, không có nghĩa là các em đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và gia đình. Còn về giải phẫu sinh lý nữ, khi mang thai và sinh con trước tuổi 18, cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện, khung xương chậu, bộ phận sinh dục đang trong quá trình phát triển chưa ổn định, nếu sinh con, nguy cơ đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, đứa trẻ sinh ra dễ có nguy cơ non tháng nhẹ cân, suy dinh dưỡng”, TS Tiến nói. Ở giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, trong cùng một độ tuổi, nữ giới bao giờ cũng phát triển sớm hơn nam giới cả về sinh lý và nhận thức. Chính vì vậy, nếu nữ giới từ đủ 18 tuổi có thể bước vào cuộc sống hôn nhân thì nam giới phải từ đủ 20 tuổi. |
Theo Dantri