UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa đưa ra bản dự thảo Hiến pháp mới, với nhiều điểm mới sau thời gian 3 tháng lấy ý kiến người dân. Ở một số nội dung quan trọng, bản dự thảo mới đã đưa ra 2 phương án để tiếp tục thảo luận, cân nhắc, lựa chọn. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi rất quan tâm và hoan nghênh cách làm này. Dù thời gian tiếp cận ngắn, tôi chưa nghiên cứu sâu về tất cả các nội dung nhưng trước hết tôi rất vui và phấn khởi bởi thấy cách thức làm việc của UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như vậy là nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm, có sự khiêm tốn để lắng nghe và tiếp thu.
Một số nội dung quan trọng mà còn có ý kiến khác nhau, Uỷ ban đã đưa ra 2 phương án để rộng đường phân tích, trao đổi, lựa chọn. Việc làm ấy, tôi cho là cần thiết và tích cực, thể hiện sự cầu thị, tiếp thu và tinh thần dân chủ để chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung Hiến pháp có lợi nhất.
Tôi tin rằng nhân dân sẽ quan tâm và đồng tình với việc làm trên. Cũng như nhân dân đã từng hoan nghênh và ủng hộ với chủ trương cho phát thanh và truyền hình trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn, cách đây 20 năm.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: "Tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản ánh đúng tình hình đất nước hiện nay". |
Một điểm mới rất được dư luận chú ý là đề xuất về phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như tên khai sinh nước mà Chủ tịch HCM đã nêu trong tuyên ngôn độc lập để công bố với toàn thể dân tộc và quốc tế năm 1946. Quan điểm của ông về điểm mới này?
- Tôi rất đồng tình và cho rằng việc này thực sự hợp lòng dân. Tôi tán thành phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nêu các lý do sau đây:
Một là, tên nước cần phản ánh đúng tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, nhân dân ta, Đảng ta luôn luôn có đầu óc thực tiễn. Chúng ta là những người chân thực, biện chứng, dám nhìn thẳng vào sự thật.
Ba là, hiện nay Đảng ta phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một việc làm rất thiết thực. Tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hoà được Bác Hồ đặt ra, được quy định trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Chúng ta rất trân trọng vì nó thể hiện sự sáng suốt, thiết thực của Bác Hồ.
Bốn là, bà con người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn hướng vể tổ quốc, vui mừng dõi theo những thành quả mà nhân dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong nhiều năm qua, tôi đã nhiều lần được gặp gỡ, “tiếp xúc với các cử tri Việt Kiều”. Tôi hiểu được nguyện vọng của bà con. Tôi tin rằng việc đổi lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được bà con hoan nghênh. Như thế, càng có lợi cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, các nước cùng thể chế chính trị như nước ta thì hầu như không nước nào đổi tên để có cụm từ xã hội chủ nghĩa như nước ta. Trung Quốc từ năm 1949 đến nay vẫn giữ nguyên gọi là nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa...
Tôi thực sự vui mừng khi UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và tôi tin đa số người dân sẽ ủng hộ phương án này. Đây cũng là việc cần thiết để tạo động lực phấn đấu cho cả nước trong tình hình hiện nay.
Nói như vậy có nghĩa, tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ thể hiện được đúng đặc điểm, trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay và sẽ có tác động tích cực tới các bước phát triển của đất nước?
- Lấy lại tên nước như vậy sẽ rất có lợi cho nhân dân, để người dân hiểu thực chất chế độ chính trị của mình, hiểu thực chất mức độ phát triển hiện tại của đất nước mình, để mỗi người dân không ngạo mạn, chủ quan rằng mình đang ở “mốc” xã hội chủ nghĩa.
Thực chất là mình đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ (mà thời gian của thời kỳ quá độ còn dài lắm). Nhân dân là người chủ, là nền tảng và là động lực để phát triển đất nước. Lãnh đạo định hướng đúng thì nhân dân cũng sẽ nhận thức đúng. Và như thế người dân sẽ nhận rõ trách nhiệm của mình phải làm gì để để xây dựng đất nước giàu mạnh.
Đồng thời cần nhận rõ, chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường (bản chất là cơ chế vận động của tư bản chủ nghĩa), chúng ta hội nhập quốc tế thì phải rất tỉnh táo và sắc sảo để chủ động có những chiến lược và sách lược để áp dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, minh bạch.
Những người lãnh đạo cần có cái nhìn thực tiễn, không chủ quan, không ngộ nhận, tức là không được phép kiêu ngạo cộng sản như Lênin đã chỉ rõ. Bài học của thế giới và thực tiễn cách mạng của nước ta đã cho thấy tự kiêu tự đại là thất bại.
Nhìn ra bên ngoài, các nước theo đuổi con đường Xã hội chủ nghĩa cũng đặt tên nước khác ta và nhiều người cho rằng, tên Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ giúp Việt Nam có được nhiều lợi thế trong quan hệ với bên ngoài?
- Tôi nghĩ bạn bè quốc tế cũng rất vui đón nhận tên gọi nói trên vì thấy Việt Nam tự nhận thức đúng giai đoạn phát triển hiện tại của mình, chặng đường mà mình đang đi.
Nhìn ra thế giới, nước bạn láng giềng của ta là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, họ không cần lấy tên nước là xã hội chủ nghĩa mà họ vẫn đổi mới, khôn ngoan và tài ba để tiến lên như vũ bão, vươn lên hàng thứ 2 thế giới và đang cạnh tranh vị trí số 1 với Mỹ.
Tuy nhiên, nếu thay đổi tên nước cũng kéo theo nhiều hệ lụy như phải thay đổi rất nhiều văn bản, giấy tờ, con dấu, quốc huy… thậm chí có thể phải in lại tiền?
- Tôi cũng hiểu và cân nhắc nhiều về điều đó. Tuy nhiên, tôi thấy ở đây, phải đi vào bản chất của vấn đề. Tất cả những việc đó chúng ta có thể chuyển đổi dần, có quá trình. Tất nhiên sẽ có tốn kém một chút nhưng tôi nghĩ cái được sẽ lớn hơn rất nhiều. Cái được lớn nhất là được lòng dân, nghĩa là tạo dựng được vị thế chắc chắn để đi lên mạnh mẽ hơn. Những thứ thu về chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với những tốn kém do thay đổi tên nước.
Hơn nữa, cũng sẽ có cách để giảm thiểu chi phí. Chẳng hạn, không nhất thiết ngay tức thì ta phải đổi tiền vì Quốc hội có thể ra một Nghị quyết với nội dung khẳng định, các loại giấy tờ, văn bản, tiền tệ đang sử dụng với tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn có giá trị như tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc này có thể kéo dài trong 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm… để chuyển đổi dần dần. Chúng ta đủ thông minh để giải quyết, xử lý được những chuyện không lớn này.
Xin cảm ơn ông!
Điều 4 đã bao hàm ý Đảng lãnh đạo quân đội Tôi rất hoan nghênh việc đưa ra 2 phương án quy định về yêu cầu sự trung thành của lực lượng vũ trang trong chương Bảo vệ tổ quốc vì đã thể hiện tinh thần khiêm tốn, cởi mở, nghiêm túc trong việc lấy ý kiến sửa Hiến pháp. Tôi đồng tình phương án 1 là giữ nguyên quy định như Điều 45 Hiến pháp hiện hành. Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn thể xã hội là bao quát nhất, bao gồm cả lãnh đạo lực lượng vũ trang. Vì thế, không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng” thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc Đảng lãnh đạo quân đội cũng như ảnh hưởng đến tình cảm của người dân tới hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, không ảnh hưởng tới ý chí kiên cường của QĐND Việt Nam. Còn nếu như cố tình giữ phương án 2 có quy định này thì cũng nên nói lực lượng vũ trang trung thành tuyệt đối với tổ quốc, với nhân dân rồi mới nói tới Đảng. Tôi xin được nói tới một câu chuyện: Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam thường gần với dịp tết nguyên đán, cho nên các nơi thường có khẩu hiệu: “Mừng Đảng, mừng xuân”. Đi đến các nơi tôi đều góp ý rằng: Khẩu hiệu nên sửa lại là: “Mừng xuân đất nước, mừng Đảng quang vinh”. Cách gọi này vừa hợp lẽ vừa thân thương. |
Theo Kienthuc