Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an nói như trên tại lễ tổng kết cao điểm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên Đán 2013, sơ kết một năm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại phường, xã ở TP.HCM vừa được tổ chức vào chiều 17/4.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong vòng từ 15/12/2012 đến 15/3/2013 vừa qua, trên toàn địa bàn TP đã xảy ra 1.467 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 27 người, bị thương 198 người, tài sản bị thiệt hại đến 59 tỷ đồng.
Cảnh sát cơ động TP.HCM truy quét tội phạm
So với thời gian liền kề, tỷ lệ này giảm 98 vụ, đạt giảm 6.28%. Điều đáng quan tâm là số án cướp giật, xâm hại tài sản đã được ngành Công an TP kiềm chế, kéo giảm được 55 vụ, đạt 41,98%.
Cũng theo Thiếu tướng Minh, trong thời gian vừa qua, Công an thành phố đã tập trung đấu tranh chống lại các băng nhóm xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, sử dụng vũ khí gây án, bắt 202 băng nhóm, 503 đối tượng, khám phá 20 chuyên án, bắt và vận động được 77 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM cũng thừa nhận án ma túy xảy ra trên địa bàn có xu hướng tăng (12%) so với cùng kỳ. Nhiều vụ án ma túy đã được phát hiện khi sử dụng phụ nữ Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy để đi vào Trung Quốc.
Đối với án kinh tế, nhất là việc chống lại buôn lậu thuốc lá ở các vùng giáp ranh, mỗi khi đem quân đi đánh là đều bị lộ, khiến người dân và cả người trong ngành rất bức xúc.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Công an TP.HCM đề nghị nên cử Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, chức vụ, Bộ Công an là nơi cầm trịch các loại án này.
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đánh giá: TP.HCM vẫn còn xuất hiện các loại án đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là xã hội đen chi phối một số các địa bàn, một số cán bộ địa phương và người dân.
Nhiều nơi, người dân đã sử dụng tội phạm để đòi nợ, bảo vệ bản thân. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê chứ không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của Công an.
“Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ…” – Thiếu tướng Hùng nói.
Do đó, Thiếu tướng Hùng đề nghị trong thời gian sắp tới, mà cụ thể trong vòng 3 tháng tới, TP.HCM cần lưu ý đến vấn đề này, phải nỗ lực hết mình để tội phạm không còn dám lộng hành trên địa bàn.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng đề nghị lực lượng Công an TP.HCM cần phải biết giữ mình, bảo vệ cho lực lượng của mình trong sạch, vững mạnh.
“Nếu chúng ta mất cảnh giác, tội phạm sẽ tấn công lại ngược chúng ta. Nếu không tấn công trực tiếp thì tấn công gián tiếp qua người thân, gia đình…” – người đứng đầu TP.HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, TP sẽ tiếp tục thực hiện công tác tấn công, trấn áp vào các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm, xã hội đen nguy hiểm để bảo vệ bình yên cho người dân.
Tại nơi nào để tội phạm hoành hành, dứt khoát Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an phường nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP.HCM.
Chúng ta chỉ bắt được phần ngọn, chứ không giải quyết được phần gốc. Nhân dân sinh sống trên các tuyến đường mà bọn buôn lậu hoành hành đều biết được ai cầm đầu các đường dây buôn lậu thuốc lá, mà Công an thì lại không biết. Tôi rất lấy làm xấu hổ… Thiếu tướng Phan Anh Minh |
Theo VTCnews