Cuộc sống sẽ ra sao khi không có nước sạch?

Thứ tư, 22/05/2013, 14:28
“Không có nước sạch, đời sống người dân dù đủ ăn nhưng vẫn cơ cực. Ăn uống thì hứng nước mưa, tắm rửa, giặt giũ ra sông ngòi. Điều đó khiến 30-40% cư dân mắc các bệnh như viêm da, tiêu chảy, bệnh phụ khoa…" - Đại diện chính quyền xã Tân Phước (Tiền Giang) chia sẻ.

Theo các nghiên cứu khoa học, con người có thể nhịn ăn đến 70 ngày nếu được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, sự sống khi thiếu nước uống lại chỉ kéo dài tối đa 100 giờ. Là thành phần chiếm đến 70% trọng lượng cơ thể, nước sạch luôn cần thiết cho mọi hoạt động sống nhưng lại là nguồn tài nguyên không vô tận, khi chưa đến 1% lượng nước toàn cầu có thể sử dụng được.

“Nước sạch quý như vàng” - chuyện “thật như đùa” ấy lại là thực tế ở nhiều khu dân cư Việt Nam ngày nay. Điển hình như xã Hưng Thạnh (Tân Phước, Tiền Giang) - vùng tiếp giáp phía Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp - vốn bao quanh là sông nước nhưng có đến hơn 950 hộ, tức 50% dân cư vẫn chưa có nước sạch để dùng.

Là vùng đất nhiễm mặn và phèn nặng, có nơi độ pH đến ngưỡng 5, nhưng người dân phải phó mặc sinh hoạt bằng nguồn nước tự nhiên ô nhiễm. Kinh phí hạn hẹp và địa hình phức tạp khiến việc có được nước sạch dẫn từ giếng bơm vẫn là mơ ước của nhiều người dân trong xã.

nuoc sach

Sông ngòi vẫn là nguồn nước chính của người dân xã Tân Phước (Tiền Giang)

Đại diện chính quyền xã chia sẻ: “Không có nước sạch, đời sống người dân dù đủ ăn nhưng vẫn cơ cực. Ăn uống thì hứng nước mưa, tắm rửa, giặt giũ ra sông ngòi. Điều đó khiến 30-40% cư dân mắc các bệnh như viêm da, tiêu chảy, bệnh phụ khoa… Vào mùa khô hạn, tỷ lệ bệnh tật còn cao hơn nữa”.

Việt Nam hiện bị xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước do lượng nước mặt bình quân đầu người thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/năm/người của hội tài nguyên nước Quốc Tế. Theo khảo sát của UNICEF và bộ Y Tế, chỉ có 70% cư dân đô thị được dùng nước sạch và con số này ở nông thôn còn đáng báo động hơn. Rõ ràng, câu chuyện an ninh nguồn nước vẫn luôn là nỗi lo của chúng ta.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn