Trạm cân ngại nước, sợ... thiên lôi: Chỉ đạo nghiêm từ Bộ GTVT

Thứ bảy, 06/09/2014, 10:48
Nếu ca trực nào để xảy ra sự cố hư hỏng trạm cân xe lưu động do sét đánh thì phải chịu toàn bộ kinh phí sửa chữa, khắc phục sự cố.

Đó là một trong những nội dung được Tổng cục Đường bộ (TCĐB) đưa ra trong công điện khẩn vừa gửi các Sở GTVT, các trạm cân xe về việc phòng chống sự cố sét đánh đối với trạm cân xe lưu động.

Theo TCĐB, cơ quan này đã ban hành Quy trình vận hành và bảo trì trạm cân xe lưu động cùng các quy định về biện pháp xử lý sự cố trong vận hành trạm cân.

Tuy nhiên, còn nhiều trạm chưa tuân thủ dẫn đến xảy ra các sự cố gây hư hỏng nặng thiết bị cân lưu động, đặc biệt là các sự cố do sét đánh trong thời gian gần đây như các trạm cân lưu động tỉnh Bình Phước, Ninh Bình.

Địa phương kêu khó

Trước công điện khẩn này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho biết: "Chúng tôi đã triển khai chỉ đạo này được một thời gian".

Việc quy định nếu ca trực nào để xảy ra sự cố phải tự chịu trách nhiệm sửa chữa, theo ông Hiệp nó sẽ gây khó khăn cho nhiều cán bộ. Vì dứt khoát kinh phí địa phương sẽ khó ngày càng thêm khó.

Chính vì vậy, cho nên hiện nay ông Hiệp cho biết: "Sở cũng chỉ đạo trạm cân cứ có mưa giông, gió bão, thì rút điện hết ra là được. Bên cạnh đó, ở các trạm cân lưu động chúng tôi cũng có gắn thêm cột chống sét  phục vụ cho việc phòng chống sấm sét".

Thêm nữa, để anh em có ý thức trách nhiệm hơn, thực hiện theo hướng dẫn cụ thể, theo chia sẻ của ông Hiệp thì Sở cũng thường xuyên nhắc nhở. Bởi cũng đã có cam kết về trách nhiệm bồi hoàn, có chi phí cụ thể. Kinh phí địa phương cũng phải cân đối lại, mới bước đầu thì có thể xử lý thẳng tay, thế nhưng sau này cũng xây dựng lại kinh phí cuối năm, bước đầu đâu có những kinh phí này.

"Chúng tôi cũng đang báo cáo khó khăn này với địa phương, để có những phương án cụ thể cho những sự việc này, vì thu nhập hiện nay của anh em cũng không hề cao", ông Hiệp cho hay.

Trước chỉ đạo này, ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, Trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng tỉnh Bình Thuận cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành khắc phục các hệ thống phòng chống sấm sét. Giờ cứ có mưa giông thì tắt máy, chứ chưa trang bị được thiết bị gì nhiều nên chưa triển khai gì được, chỉ là phương án phòng chống bình thường".

Các ca trực phải tự chịu tiền sửa chữa nếu để xảy ra hư hỏng

Các ca trực phải tự chịu tiền sửa chữa nếu để xảy ra hư hỏng

Cụ thể ông Long cũng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện chỉ là có mưa giông thì tắt máy, ngắt nguồn điện, thì nó không liên quan, ảnh hưởng đến thiết bị công.

Đặc biệt, theo ông Long để tránh việc các cá nhân trong ca trực phải bỏ tiền sửa chữa thì cũng đã có chỉ đạo, là cứ mưa giông được phép trực tiếp tắt máy, rút điện, có nghĩa nên chủ động phòng tránh để không phải bỏ tiền túi ra sửa chữa.

Bởi vì, nếu hỏng do lỗi anh em ca trực thì phải tự bỏ tiền ra sửa chữa, khắc phục, còn hỏng do thiết bị thì đưa đi bảo hành theo chế độ của máy móc, chi phí bảo hành do đơn vị cung cấp thiết bị phụ trách.

Tổng cục nói xử phạt nghiêm

Thế nhưng, nói về nguyên do để đưa ra công điện khẩn lần này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cho biết: "Cái này thứ nhất là do mùa mưa lũ, mưa bão sắp đến. Thứ hai, thời tiết như vậy nên yêu cầu các trạm cắm đủ chiều sâu để tránh sét đánh, bảo vệ tài sản công. Đây cũng là công việc bình thường để giữ gìn trạm cân, vì hiện nay có một số trạm cân bị sét đánh hỏng, sửa chữa lại mất tiền, rất lãng phí".

Bên cạnh đó, ông Huyện cũng khẳng định: "Nếu xảy ra hỏng hóc do lỗi chủ quan thì người thực hiện, người vận hành phải chịu trách nhiệm".

Để xác định được nguyên nhân để tránh gây nhầm lẫn ảnh hưởng đến quyền lợi của các ca trực thì tiến hành kiểm tra trạm cân, sẽ xác định được ngay nguyên nhân là do lỗi nhà sản xuất, hay là lỗi do làm không đúng quy trình. Nếu đúng là do Sở thì Sở phải chịu trách nhiệm, các quy định này trong quá trình lắp ráp cũng đã có quy định cụ thể.

Ông Huyện cho rằng: "Khi đã làm theo quy định của nhà nước thì phải làm đúng quy trình, nếu làm có lỗi khách quan thì sẽ không ai bắt chịu trách nhiệm, nhưng khi đã dùng tài sản của công thì phải có trách nhiệm. Đã làm cán bộ mà anh quản lý tài sản công thì anh phải vận hành đúng, sử dụng đúng.

Nếu vất vả thì đã có chế độ bồi dưỡng riêng, nên kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính theo hướng dẫn để có chế độ riêng, nó hoàn toàn độc lập với việc vất vả, rồi biện dẫn để không sử dụng đúng tài sản của nhà nước".

Trước câu chuyện, có sợ các cán bộ trạm cân vì lo tiền sửa chữa mà xảy ra tình trạng bảo kê, ông Huyện nhìn nhận, nếu việc bảo kê xuất hiện vì lo tiền sửa chữa, thì hoàn toàn rất khó. Vì bảo kê là câu chuyện lợi ích nhóm, còn câu chuyện này rất nhỏ, đây là tinh thần trách nhiệm.

"Còn nếu cán bộ nào thực thi công vụ mà lấy tiền bảo kê xe quá tải, để lo cho tiền làm hỏng của công thì sẽ cho ra khỏi công tác tại khu vực đó", ông Huyện thẳng thắn.

Cân tải trọng ngại nước, sợ... “thiên lôi”

Theo chia sẻ của lãnh đạo TTGT và Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP.HCM đều cho hay: Thiết bị tại các trạm cân của TP.HCM được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phát thường xuyên hư hỏng.

Đoàn kiểm tra Bộ GTVT và Bộ Công an ghi nhận trong quá trình vận hành, nhiều trạm cân hay bị ngắt kết nối mạng, màn hình hiển thị đèn LED bị lỗi, camera chụp ảnh thi thoảng không hiển thị được ảnh xe kiểm tra… Ngoài ra một số trạm cân kiểm tra tải trọng ở khu vực phía Bắc đã bị sét đánh gây hư hỏng.

“Các trạm cân xe lưu động có tính cơ động và bền vững chưa cao, hay hỏng vặt; không hoạt động được khi trời mưa lại hay bị sét đánh khi có mưa giông” -ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT nhận định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn