Cách nào "khôi phục" lại du lịch sau sự cố Formosa xả thải đầu độc biển?

Thứ sáu, 15/07/2016, 17:44
Tại cuộc họp của Chính phủ về phát triển du lịch chiều nay 15/7, lãnh đạo Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... cùng đề nghị được hỗ trợ để khắc phục hậu quả nặng nề để lại cho ngành sau sự việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Cuộc sống của hàng chục nghìn lao động lâm cảnh khó...
Hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự việc Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt

Văn bản báo cáo Chính phủ của ông Trần Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - khẳng định du lịch tỉnh Quảng Bình đã định vị được thương hiệu trên bản đồ thế giới, là điểm đến hấp dẫn, an toàn và lựa chọn không thể thiếu của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.

Du lịch Quảng Bình được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt được The New York Times (Mỹ) bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng 1/12 điểm đến trong khu vực Châu Á; đặc biệt Sơn Đoòng được tạp chí News (Úc) xếp vào điểm đến “đẹp không thể tin nổi” trên trái đất; tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn hang Sơn Đoòng là trong top 12 hang động kỳ vỹ nhất trên thế giới...

Tuy nhiên báo cáo nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2016 do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển từ ngày 10/4 nên lượng khách du lịch đến với Quảng Bình sụt giảm nghiêm trọng ngay trong thời kỳ mùa vụ cao điểm về du lịch. Điều này đã khiến các doanh nghiệp hết sức khó khăn, nhiều dự án đầu tư khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng phục vụ khách du lịch đang triển khai đứng trước nguy cơ phải tạm dừng thi công.

“Một số dự án lớn tạo động lực cho phát triển du lịch đã tạm dừng hoặc bỏ đầu tư. Nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải cắt giảm lao động, cho nhân viên nghỉ việc đến 50%. Đa số lao động có tay nghề đã chuyển vào các thành phố lớn làm việc, gây tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất lượng và khó có thể bù đắp trong thời gian tới” - Quảng Bình báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh rất nhiều khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình còn khẳng định cuộc sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp và 7.300 lao động gián tiếp đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Mặc dù Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó và khắc phục khó khăn như thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá đồng loạt tất cả dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, giảm 30% giá vé tham quan cho khách lưu trú tại Quảng Bình đến tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường và tiến hành xúc tiến du lịch sâu rộng tại nhiều thị trường, nhưng tổng số du khách đến Quảng Bình chỉ đạt trên 1,3 triệu lượt khách - giảm gần 20,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết triệt để giải quyết sự cố môi trường biển, tạo điều kiện để khôi phục ngành kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng.

“Không quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và các ngành, lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, đất đai, tín dụng và cung cấp các gói hỗ trợ cho tỉnh, bù đắp các thiệt hại cho doanh nghiệp để khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra”- văn bản do ông Dũng ký nêu rõ.

Trong khi đó, đại diện tỉnh Thừa Thiên-Huế báo cáo, 6 tháng đầu năm 2016 lượng khách du lịch đến địa phương này ước đạt 1,7 triệu lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tuy vậy, đại diện tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương này.

Ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch xuyên tạc lịch sử Việt Nam

Báo cáo Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa và Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên trái phép của thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Nắm bắt được tình hình đó, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động phối hợp với công an tỉnh và các sở ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị, cá nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm với các đơn vị lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành trái phép.

Còn ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định, thành phố đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật; thậm chí xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam hoặc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán với khách du lịch. Ông Bình cam kết, kiên quyết không để các doanh nghiệp du lịch nước ngoài núp bóng hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố làm ảnh hướng đến uy tín, chất lượng và thương hiệu du lịch Hải Phòng.

Hải Phòng cũng đã thiết lập đường dây nóng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố và xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch. Đồng thời cung cấp thông tin chính xác, công khai các điểm cung ứng dịch vụ du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo các địa điểm không nên đến đối với du khách.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn