Quân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giằng co
Tình hình chiến trường Syria thời gian qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và lực lượng người Kurd.
Theo truyền thông địa phương Syria, ngày 26/2, quân chính phủ và lực lượng vũ trang địa phương NDF dưới sự yểm trợ đắc lực của không quân Nga đã mở các cuộc tấn công, giành lại cao điểm then chốt trong dãy núi Hayyal gần Palmyra, bắt đầu triển khai kế hoạch khống chế hỏa lực khu vực giao lộ Tam giác Palmyra.
Sau nhiều trận giao tranh quyết liệt, quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn khu vực mỏ đá phía Tây Bắc thành phố Palmyra.
Trong khi đó, các phần tử Hồi giáo thánh chiến cùng với quân đội Syria tự do (FSA), được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ bằng hỏa lực đã nỗ lực tấn công giành lấy những địa bàn còn lại bị IS tạm chiếm.
Chiến trường phía Đông thành phố Aleppo tính đến ngày 27/2 |
Ngay lập tức, quân chính phủ đã tiến đến sát chiến tuyến của lực lượng dân quân người Kurd trên hướng phía Tây Manbij.
Hoạt động này của quân Assad đã phá tan ý đồ chiến lược của Ankara trong việc mở rộng tấn công trên vùng nông thôn thành phố Aleppo và tiến về hướng tỉnh Raqqah.
Dù âm mưu lần này của Ankara thất bại nhưng nhanh chóng sau đó, chính quyền Tổng thống Erdogan tiếp tục hướng mũi nhọn tấn công vào người Kurd bằng một kế hoạch khác.
Ngày 27/2, ông Ilnur Cevik, cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan phát biểu trong một hội nghị ở thủ đô Moskva của Nga, tuyên bố khẳng định nước này sẽ kết thúc chiến dịch quân sự tại Syria sau khi đánh chiếm thành phố Manbij.
“Ankara đang cố gắng giành lấy thành phố và duy trì sự hiện diện tại đây. Ngay sau khi đánh chiếm Manbij, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng chiến dịch quân sự tại Syria”, ông Cevik nhấn mạnh.
Vị cố vấn tiết lộ thêm, Ankara đang có kế hoạch thiết lập một khu vực đệm rộng đến 56 dặm xung quanh thành phố Manbij.
Theo ông Cevik, hiện nay khoảng 85% diện tích thành phố Manbij và khu vực xung quanh do các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) kiểm soát.
Đây là một toan tính lâu dài và xuyên suốt của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Thực tế từ lâu, Ankara đã coi Đảng PKK là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí chính quyền Tổng thống Erdogan còn xếp lực lượng dân quân người Kurd (YPG) là một chi nhánh của Đảng công nhân người Kurd PKK ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết xử người Kurd?
Đây không phải là lần đầu tiên trong tháng này Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các đòn phản công nhằm vào các vị trị có mặt của lực lượng người Kurd.
Trước đó, tối 23/2, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trận chiến khốc liệt giữa IS với lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng đối lập Syria được họ hậu thuẫn là quân đội Syria Tự do FSA, cùng với quân đội Syria (SAA) ở Al-Bab đã kết thúc.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đã hoàn toàn giành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Al-Bab, ở phía Đông Aleppo, sau khi phá tan hệ thống phòng thủ của tổ chức khủng bố IS để tiến vào trung tâm của thị trấn.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria |
Nguồn tin tiết lộ thêm, sau khi IS rút lui khỏi các địa bàn then chốt, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, các nhóm chiến binh thánh chiến Ahrar al-Sham, Faylaq al-Sham và quân đội FSA với chủ lực là những tay súng cực đoan Turkmen đã tiến vào kiểm soát các quận Al-Bab, Bzaah, Qabasin và Tall Batnan chỉ trong một vài giờ.
Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Erdogan thực hiện cuộc tấn công chiến lược tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ đang quyết tâm đạt mục tiêu xua đuổi IS ra khỏi Al-Bab để tử chiến với quân đội Syria.Thực tế khi tiến công vào các căn cứ IS chiếm đóng tại Al-Bab, chính quyền Ankara hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng để tạo bàn đạp triển khai các mũi tấn công khác về hướng Manbij, nơi đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd.
Về lâu dài, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiến sâu vào vùng nông thôn phía đông Aleppo để hình thành một vùng lãnh thổ do lực lượng chiến binh thánh chiến kiểm soát dưới sự hậu thuẫn của quân đội nước này để chia cắt Syria.
Nếu điều này xảy ra, quân chính phủ ở vùng nông thôn phía Đông Aleppo sẽ cùng một lúc phải đối mặt với lực lượng khủng bố IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan do Ankara hậu thuẫn vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh và hậu cần kỹ thuật.
Những lực lượng này sẽ không ngần ngại triển khai các cuộc tấn công quy mô lớn đánh vào các vùng lãnh thổ do chính quyền Syria kiểm soát ở tỉnh Aleppo, tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công trên các chiến trường khác ở Syria.
Trường hợp xấu nhất, không lật đổ được chính quyền Tổng thống Assad, Ankara vẫn hy vọng kéo dài thêm cuộc chiến đẫm máu này ở Syria nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn người Kurd và chia cắt đất nước này.
Theo Đất Việt