FSA “sa thải” gần 200 phiến quân
Ngày 18 tháng 11, nhóm Jaysh Maghawir al-Thawra - chi nhánh phía Nam của nhóm phiến quân đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) được Mỹ hậu thuẫn, đã giải tán 180 chiến binh của họ, từng phục vụ trong đội quân liên quân do Mỹ lãnh đạo trong khu vực al-Tanaf.
Trang web tin tức ủng hộ chính quyền Syria là Enab Baladi nhấn mạnh rằng, Al-Tanf là một trong 2 căn cứ quân sự rất quan trọng được Mỹ lập ở phía Nam Syria (cùng với căn cứ al-Zuqr), nằm ở khu vực ngã 3 biên giới 3 nước Syria-Iraq-Jordan.
Người phát ngôn của Jaysh Maghawir al-Thawra là Thiếu tướng Abu al-Atheer al-Khabouri nói với Enab Baladi rằng, các tay súng này đã bị loại ngũ do “những hành vi sai trái của họ”.
Al-Khaburi nói rằng tất cả các chiến binh đã giao nộp vũ khí cá nhân của họ và nhận được 2.000 dollars, trước khi rời khỏi căn cứ al-Tanaf tới trại tị nạn al-Rukban ở biên giới Syria-Jordan.
Tuy nhiên, trang “Tin tức Tư pháp” thân đối lập của Hammurabi dẫn một nguồn tin từ liên minh do Mỹ lãnh đạo cho biết rằng, quyết định này được đưa ra là "do những thành công trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở miền Nam Syria".
Nguồn tin tiết lộ, quyết định “cắt giảm lực lượng thiếu tinh nhuệ” này là một phần trong nỗ lực của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, với mục đích là làm cho lực lượng của FSA "chuyên nghiệp hơn và phản ứng nhanh hơn khi tình hình an ninh thay đổi".
Liệu Mỹ có bỏ căn cứ al-Tanf, với vùng kiểm soát rộng gấp đôi khu vực phiến quân Syria chiếm đóng ở cả 3 tỉnh Quneitra, Daraa và As-Suwayda cộng lại? |
Một số nhà hoạt động của phe đối lập Syria nói rằng, quyết định của Jaysh Maghawir al-Thawra là một phần trong kế hoạch chuẩn bị bàn giao căn cứ al-Tanf cho Quân đội Ả Rập Syria (SAA), trong một thỏa thuận giữa Nga và Hoa Kỳ.
Theo phân tích, cơ sở quân sự của Mỹ ở al-Tanf đã mất tất cả các giá trị chiến lược sau khi SAA và các đồng minh của nó đã bao vây chặt và thậm chí đã đánh chiếm được thành phố chiến lược al-Bukamal (Abu Kamal) trên biên giới Syria-Iraq, trước khi bị IS tái chiếm lại.
al-Bukamal là đầu mối giao thông huyết mạch giữa Iraq và Syria, được coi là căn cứ địa cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, Do đó, việc mất al-Bukamal là nguyên nhân khiến liên minh do Mỹ dẫn đầu xem xét để đóng cửa căn cứ trong tương lai gần.
Mỹ có thực sự bỏ căn cứ al-Tanf?
Tuy nhiên, có những phân tích cho rằng, điều này là hoàn toàn sai thực tế, bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là: Mục đích của Mỹ không phải là chống khủng bố IS
Chưa bao giờ người ta tin là việc Mỹ tung quân vào Syria thực sự là vì lý do chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo, mà thực ra là lợi dụng (hay hỗ trợ?) IS chống SAA, tạo cơ hội cho lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn chiếm được càng nhiều đất của Syria càng tốt.
Do đó, việc IS thất bại trước Quân đội Syria không đồng nghĩa với “sứ mệnh cao cả” của Washington đã kết thúc, mà thậm chí nó còn là “động lực” lớn hơn để Mỹ tiếp tục con đường… chống phá sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Syria. Và lẽ dĩ nhiên là Mỹ không giải tán căn cứ này bởi “cái chết” của IS.
Do đó, liên hệ việc FSA loại ngũ 180 tay súng với việc Mỹ bỏ căn cứ al-Tanf là điều không hề logic.
Thứ hai là: Vị trí chiến lược khống chế 3 nước
Căn cứ al-Tanf có vị trí địa lý quan trọng ở tam giác biên giới Syria-Iraq-Jodan, khống chế khu vực ngã 3 biên giới giữa 3 nước, với khu vực kiểm soát rộng tới gần 10 nghìn km2 (Mỹ cấm Quân đội Syria áp sát khu vực đường tròn có bán kính ít nhất là 50km), rộng gấp đôi khu vực phiến quân Syria chiếm đóng ở cả 3 tỉnh phía Tây Nam là Quneitra, Daraa và As-Suwayda cộng lại.
Trừ lãnh thổ do người Kurd chiếm đóng, lực lượng của Mỹ không còn kiểm soát được khu vực nào rộng như xung quanh al-Tanf. Do đó, Mỹ không thể từ bỏ một căn cứ có vị trí chiến lược quan trọng như vậy, mà dĩ nhiên là để giành cho lực lượng phiến quân đối lập có lợi thế để mặc cả với chính quyền Damascus.
Hơn nữa, khu vực biên giới phía Tây và Tây Nam Syria giáp với Lebanon, Israel và Jordan; khu vực phía Đông (al-Bukamal) đang được bảo vệ chắc chắn bởi cả lực lượng SAA và Hezbollah; nếu Mỹ bỏ al-Tanf, toàn bộ khu vực phía Nam Syria sẽ là vùng “cấm tiếp cận” đối với Mỹ và đồng minh. Vậy Mỹ có bỏ al-Tanf không?
Thứ ba là: al-Tanf là căn cứ hỗ trợ phiến quân Syria
Ngoài vị trí chiến lược để lập vùng cấm đối với Quân đội Syria, nhằm tạo hành lang an toàn cho IS di chuyển, căn cứ al-Tanf còn là bình phong che chắn cho các căn cứ huấn luyện phiến quân Syria ở trong lãnh thổ Jordan, nhằm quay về Syria tiếp tục chống phá ở khu vực phía Nam.
Mỹ không thể bỏ trống biên giới Đông Nam Syria, giáp với Jordan cho Syria kiểm soát |
Những tay súng này chính là tàn quân của IS và những người tị nạn được tuyển lựa ở các trại như al-Rukban hay Hadalat nhằm huấn luyện bổ sung lực lượng cho phiến quân. Do đó, Mỹ không thể bỏ căn cứ này để mặc Quân đội Syria kiểm soát hoàn toàn biên giới giáp với Jordan.
Vậy hành động “giải tán” hàng trăm tay súng Jaysh Maghawir al-Thawra ở al-Tanf có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ Mỹ để căn cứ này “vườn không, nhà trống”? Điều này giải thích tại sao?
Mỹ đang bổ sung quân số cho phiến quân Syria ở phía Nam?
Mặc dù al-Bukamal có thể lọt vào tay Quân đội Syria nhưng việc kiểm soát cả khu vực phía Đông Nam với căn cứ al-Tanf cho phép Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng tàn quân IS và các nhóm phiến quân đối lập ở các trại huấn luyện dọc biên giới Jordan, mà theo nguồn tin đối lập, có không dưới 20.000 quân.
Việc lực lượng thải loại được đưa vào trại al-Rukban cũng là động thái đáng nghi vấn, bởi trại này được cho là địa điểm lý tưởng để tuyển quân cho các lực lượng khủng bố và đối lập do Mỹ hậu thuẫn. Và đầu vào của nó lại có thêm gần 200 quân nữa.
Do đó, việc FSA loại bỏ các tay súng “vi phạm kỷ luật” chẳng qua là động thái bổ sung quân cho các lực lượng khủng bố và phiến quân ở phía Nam Syria; còn Mỹ, sẽ chẳng bao giờ từ bỏ căn cứ al-Tanf một cách dễ dàng; trừ phi, như người ta nói là… “sói đi tu”.
Theo Đất Việt