|
Một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. |
Theo CNBC, tên lửa được phóng từ khu vực quanh thị trấn Pyongsong, Đông Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 3 giờ 17 phút sáng.
Rob Manning, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, tên lửa bay xa khoảng 1.000km, cao 4.500km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
“Trong vụ phóng kéo dài 50 phút, tên lửa Triều Tiên đã bay cao hơn, mạnh hơn bất kỳ vụ phóng tên lửa nào Bình Nhưỡng từng thực hiện trước đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói.
Nếu tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên (ICBM) bay theo quỹ đạo thông thường, tên lửa thậm chí có thể bay xa tới 13.000km, David Wright, nhà khoa học chuyên theo dõi tên lửa Triều Tiên nhận định.
“Tên lửa mạnh như vậy đủ sức bắn tới thủ đô Washington D.C và bất cứ khu vực nào trên lục địa Mỹ”, ông Wright nói. Đây được coi là bước tiến đột phá của Triều Tiên vì vụ phóng ICBM hồi tháng 7 chỉ bao phủ được một nửa lục địa Mỹ.
Scott Seaman, Scott Seaman, Giám đốc về châu Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group cũng đồng tình với nhận định của ông David Wright. “Tôi tin là tên lửa đạn đạo Triều Tiên đủ sức bay xa hơn 13.000km”.
Giờ đây, Triều Tiên chỉ cần tập trung nâng cao hiệu suất hoạt động và độ tin cậy của tên lửa, giới chuyên gia nhận định.
Nhưng ngay cả khi ICBM Triều Tiên xâm nhập được vào không phận Mỹ, điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng đủ sức tấn công hạt nhân nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay lập tức.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa ngày 29.11 của Triều Tiên. |
“Chúng tôi không biết Triều Tiên thử tên lửa với đầu đạn nào, vậy nên không thể chắc chắn ICBM này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân bay xa như vậy hay không”, ông Wright nói trên CNBC.
Theo ông Wright, Triều Tiên nên làm rõ năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và gắn vào tên lửa có tầm bắn xa kỷ lục như vậy.
Chuyên gia Seaman cũng đồng tình, khi nói “cần phải biết chính xác đầu đạn tên lửa Triều Tiên để đánh giá tầm bắn của tên lửa”.
Chuyên gia David Wright chờ đợi Triều Tiên công bố những bức ảnh phóng tên lửa chất lượng cao, để có thể đưa ra nhận định rằng ICBM Triêu Tiên phóng ngày 29.11 là phiên bản Hwasong-14 nâng cấp hay một tên lửa hoàn toàn mới.
Trong quá khứ, Triều Tiên thường công bố hình ảnh chi tiết về vụ phóng tên lửa thành công.
Đa số các chuyên gia đều công nhận rằng Triều Tiên đã đạt bước tiến lớn về công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa.
Vụ phóng tên lửa kéo dài 50 phút cũng là lời đáp trả mạnh mẽ đến Mỹ, rằng “lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế hay thậm chí là lời đe dọa” cũng không thể ngăn nước này theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), nhận định.
“Vụ phóng tên lửa ngày 29.11 là minh chứng cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng thử tên lửa vào bất cứ khi nào nhà lãnh đạo Kim jong-un cảm thấy phù hợp”, ông Mount nói trên CNN.
Theo Dân Việt