Góc khuất nghề PR bar: Nụ cười và nước mắt

Thứ tư, 29/11/2017, 09:39
Đằng sau những nụ cười để làm khách vui thì cuộc đời của PR bar thấm đẫm những giọt nước mắt tủi hổ.

Thường xuyên bị khách ôm dẫn đến chuyện bị đánh ghen

Những nụ cười khinh miệt

Thu Nhị (28 tuổi, quê Bến Tre) khá nổi tiếng ở bar M. (Q.Tân Phú, TP.HCM), phần lớn khách đến đây đều ấn tượng gương mặt xinh đẹp của cô gái này. “Có tháng tao kiếm được hơn 20 triệu. Mà mày cũng biết rồi đó. Kiếm được đồng tiền nó “trần ai, khổ ải” đến mức nào, phải chịu nhục nhã biết bao nhiêu”.

“28 tuổi, vậy mà nhiều lúc vẫn chấp nhận để nhiều thằng mặt non choẹt “búng ra sữa” cỡ 16, 17 tuổi vô tư sờ mó thân thể mình rồi cười ha hả khoái chí. Mày thấy nhục nhã không? Nhưng biết làm gì được. Làm nghề này thì chịu thôi”, Thu Nhị trải lòng.

Chẳng phải riêng nữ PR bar này, mà nhiều “kiều nữ” là đồng nghiệp của tôi cũng tâm sự rằng làm nghề này chẳng có nụ cười. Có chăng cũng chỉ là những nụ cười khinh miệt từ những vị khách lắm tiền nhiều của. “Nhiều người khách ngộ lắm, họ “boa” cho mình năm chục, một trăm (50.000 đồng, 100.000 đồng - NV) nhưng gọi là “con PR này”, “con PR nọ”. Hiếm lắm mới có người nhớ tên thật của mình. Những khi lỡ uống không nổi, lỡ bỏ tay chúng ra khỏi eo mình là bị chửi mắng thậm tệ. Thậm chí có lần mình bị gọi là “thứ làm gái quán bar mà còn chảnh chọe. Nghe tức vô cùng”, Thanh Thảo (24 tuổi, quê ở Vĩnh Long), làm ở một quán bar bình dân, kể.
Gần 20 giờ, quán lên đèn. Những tiếng nhạc xập xình và chát chúa vang lên. Những câu chuyện buồn cũng tạm gác lại, thay vào đó là những nụ cười. Những PR bar tập cười để lát nữa còn làm khách vui, để không bị hỏi hôm nay sao buồn quá vậy. Cười rạng rỡ khi nghĩ đến rồi lát nữa, những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, tiền nhà, tiền gửi về quê... sẽ dần vơi khi họ nhận được những đồng tiền boa của khách. Cười, như tranh thủ được cười lúc nào thì hay lúc đó, chứ có khi chỉ một lát nữa thôi, họ sẽ say bí tỉ chẳng biết gì. Và cười, như để cố giấu đi những nỗi buồn.
Bị đánh ghen như cơm bữa
Trúc Diễm (21 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) kể từ khi làm ở bar S. (Q.1, TP.HCM) đã bị đánh ghen đến 6 lần. “Mà lần nào cũng chỉ một kịch bản. Thằng khách ôm em, hôn tới tấp. Em cố gắng đẩy ra nhưng không được. Nào ngờ bồ nó xuất hiện cùng một nhóm xông vào đánh em. Khi vết thương cũ trên mặt chưa kịp lành thì vài ngày sau em bị đánh ghen tiếp. Bị bồ của khách lao vào xé rách cả quần. May có bảo vệ can thiệp kịp thời mới thoát thân”, Trúc Diễm kể lại.
Công việc của PR bar là phải tươi cười, tiếp bia rượu với khách
Nhớ những ngày đầu vào làm việc ở bar M., nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm: “Để tránh bị đánh ghen oan ức thì khi đang tiếp khách, thấy cô gái nào tiến tới hãy nhanh chóng lùi lại, vì có thể đó là người yêu, là vợ của vị khách ấy đấy”.
Khánh Ngọc (PR bar của quán M. tại Q.Tân Phú, TP.HCM) kể: “Tao bị đánh ghen hoài. Bị đánh ghen như cơm bữa. Có hôm đứng với khách là thằng nhỏ xíu, cũng bị người yêu nó đến đánh ghen. Hôm sau ngồi với cha nội kia cũng U.50, U.60 gì đó, cũng bị đánh ghen”. Vừa kể, Khánh Ngọc vừa chỉ vào những vết sẹo, những vết bầm trên tay.
Lận đận đường tình
Tôi hỏi những đồng nghiệp làm nghề PR bar thì ai cũng thở dài thườn thượt: “Làm nghề này mà yêu đương cái gì”, “Thằng nào chấp nhận yêu hả? Trừ khi mày giấu việc đang làm thôi”.
Khánh Ngọc từng có một mối tình rất đẹp với người yêu là nhân viên điện lực. Cả hai đã hứa hẹn đến một tương lai hạnh phúc. Nhưng rồi cô đã nhận được lời chia tay của người yêu sau khi anh chàng nhân viên điện lực biết thông tin: “Thấy con Ngọc người yêu mày làm gái ở quán bar M.”.
“Phải chịu thôi, mình làm cái nghề này, sà vào lòng người này, người khác, cho họ ôm ấp, cho họ hôn hít, thì có thằng đàn ông nào dám chấp nhận để yêu chứ, trừ khi thằng đàn ông ấy bị điên. Không tin, bà hãy hỏi hết đám PR bar trong này, đứa nào mà chẳng từng “đổ bể”, lận đận đường tình”, Ngân Giang (26 tuổi, làm PR bar ở Q.Tân Phú) nói.
Chính Ngân Giang cũng lẻ loi 4 năm nay, sau khi chia tay tình đầu. “Nhiều khách quen đến đây cũng xin số điện thoại nhắn tin, chat chit này nọ. Nhưng chẳng ai muốn yêu thương nghiêm túc cả, họ chỉ dụ dỗ mình thôi”.
Ngân Giang khuyên tôi: “Nói thiệt, cái nghề này luôn nhiều cám dỗ. Chỉ có những ai đủ bản lĩnh, sự khôn khéo mới có thể vượt qua. Bà mới vô làm được vài ngày, thấy bà cũng “ngon lành cành đào” như vậy, nhớ phải cẩn thận kẻo bị khách dụ dỗ, tán tỉnh đấy. Nếu khách có ý rủ đi ăn ngoài giờ làm hoặc gạ tình thì phải biết từ chối. Kẻo sa ngã là rước họa vào thân”.
“Kiều nữ” này dẫn lại câu chuyện buồn mà một đồng nghiệp cũ từng làm PR bar ở đây gặp phải. Đó là một cô gái tên Th. mới 23 tuổi, ở Cần Thơ, nghe theo những lời đường mật của một vị khách. Những ngày còn “mặn nồng” thì vị khách đến bar hằng đêm, nhưng khi biết Th. mang thai 9 tuần thì vị khách khóa sim điện thoại và không một lời từ biệt...
Cũng tại đây, mọi người hay rỉ tai nhắc nhau, “lằn ranh” giữa PR bar và “gái đi khách” mong manh lắm. Đã có không ít người, từng là những PR bar xinh đẹp nhưng không cưỡng lại sức hút mãnh liệt của những đồng tiền từ những vị khách giàu có, để rồi sa chân vào con đường mờ mịt...
Ý kiến:
“Công việc của PR là đứng cùng khách, cùng uống, cùng nhảy nhót nên bị khách “ôm vai bá cổ” hay ôm eo, thậm chí bị “cưỡng hôn” là chuyện bình thường. Thế nên “đôi khi những PR bar có thể rơi vào tình cảnh bị đánh ghen”. Cẩm Thương (PR bar B., Q.3, TP.HCM)
“Nhiều đứa bạn nghe kể nhận được nhiều tiền, thấy ham nên mới bước vào nghề. Nhưng có đứa vào làm bữa đầu, gặp phải khách dê xồm, tự ái là nghỉ ngay. Đó là chưa kể tới việc bị ép uống rượu bia, cocktail hỗn hợp đến nỗi móc họng ói mật xanh mật vàng ra. Đừng tưởng cứ mặc đồ đẹp, đứng nhảy mỗi đêm là sướng, chỉ riêng việc đi giày cao gót nhảy không quen, bị rộp chân, hôm sau đi làm mang lại giày cao gót phải gọi là cực hình”. Thu Hiền (PR bar C.P., Q.Tân Phú, TP.HCM)
Rơi vào ngõ cụt
Tôi hỏi Ngân Giang: “Nghề này nhiều cám dỗ, cạm bẫy như vậy tại sao cứ làm?”, cô gái xinh đẹp này cười bảo: “Ờ thì làm thêm thời gian nữa rồi tính tiếp. Chứ bây giờ nghỉ làm lấy gì mà sống?”.
Không riêng Ngân Giang mà nhiều nữ PR bar cũng rơi vào ngõ cụt, rơi vào tình cảnh “không biết sao” nếu phải từ bỏ nghề này. Và đêm từng đêm, họ chấp nhận những nỗi tủi nhục, bán sức khỏe... để tiếp tục làm nghề.
Ngày đến chào tạm biệt những đồng nghiệp ở bar M., bar S., tôi thấy có không ít cô gái đến xin việc. Có lẽ sẽ không lâu khi bước chân vào nghề, họ mới hiểu hết về góc khuất của nghề PR bar. Lúc bấy giờ, liệu họ có đủ can đảm quay lui?
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn