Nga thần tốc bàn giao Su-35S cho Sudan
Hồi tuần trước, tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-35S đã được Nga bàn giao cho một đối tác đặc biệt, đó chính là Sudan, quốc gia Bắc Phi vốn chỉ nổi tiếng vì… phải chịu các cuộc không kích của Israel vào các cơ sở quân sự trong lãnh thổ nước này.
Theo đó, Sudan đã nhận được chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35S của Nga, để chào mừng chuyến thăm của Tổng thống Sudan, ông Omar Ahmed al-Bashir tới Moscow vào hôm 23/11. Lô hàng Su-35S đầu tiên đã được bàn giao vào cuối tuần trước đó nhưng chưa rõ số lượng cụ thể là bao nhiêu.
Phó tư lệnh Không quân Sudan, ông Salahuddin Abdul Khaliq Saeed thông báo rằng, thỏa thuận giữa hai nước đã được ký kết từ hồi tháng 3.
Như vậy tính từ khi thỏa thuận có hiệu lực cho tới lúc giao hàng chỉ có vỏn vẹn 8 tháng, đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xuất khẩu máy bay chiến đấu Nga thời gian qua, thậm chí vượt xa cả hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc hay Indonesia.
Nga và Sudan gần đây đã có nhiều hợp tác trên một số lĩnh vực thế mạnh, đặc biệt là công nghiệp khai thác dầu mỏ. Trong chuyến thăm của Tổng thống Sudan, hai quốc gia đã ký kết một số hợp đồng quan trọng, cho phép Nga tiến hành khai thác tài nguyên với chi phí rẻ tại đất nước châu Phi đang gặp nhiều bất ổn và bị quốc tế cố lập này.
Như các hãng thông tấn Nga đưa tin, theo kết quả chuyến thăm của Tổng thống Omar al-Bashir, Chính phủ Nga và Sudan đã ký hàng loạt thỏa thuận quan trọng, đặc biệt là về các lĩnh vực nguyên tử, giáo dục và nông nghiệp.
Việc gấp rút cung cấp các máy bay chiến đấu Su-35S cũng được coi như lời cam kết chắc chắn của Nga đối với đồng minh mới.]
Với tình hình tài chính gần như kiệt quệ của Sudan thời gian gần đây do vướng phải các cuộc xung đột vũ trang với những nhóm phiến quân, gần như chắc chắn 100% họ đã nhận Su-35S theo dạng bán chịu, sẽ trả dần bằng cách khai thác tài nguyên bù lại.
Bên cạnh tiêm kích Su-35S, triển vọng dành cho các loại vũ khí khác của Nga tại mảnh đất xung đột đầy nóng bỏng này như các loại xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng chiến đấu chủ lực hay trực thăng vận tải - tấn công là cực kỳ sáng sủa.
Nga có thể lập căn cứ quân sự rất quan trọng bên bờ biển Đỏ ở Sudan |
Đây cũng là những vũ khí rất quan trọng mà Sudan thực sự cần vào thời điểm này để đối phó với những quốc gia thù địch như Mỹ hay Israel hoặc đất nước anh em đã ly khai là Nam Sudan.
Nga có đồng minh mới, căn cứ quân sự ở Hồng Hải
Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi, ông Al-Bashir tuyên bố rằng, việc phân tách Nam Sudan vào năm 2011 là kết quả chính sách thù địch của Hoa Kỳ, còn Khartoum dự định thảo luận với Moscow về sự can thiệp của Mỹ vào tình hình ở khu vực biển Hồng Hải (Biển Đỏ).
Ông Omar al-Bashir nói tại buổi hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, nước này phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của các nước Ả Rập như Sudan hay Iran, chính quyền Khartum cần sự bảo vệ trước những hành động hung hăng của Washington.
Nhà lãnh đạo Sudan cáo buộc, những gì hiện diễn ra ở Syria cũng là nguyên nhân của sự can thiệp từ Mỹ. Ông tin rằng, nếu thiếu ông Bashar al-Assad, sẽ không thể đạt được hòa bình ở Syria. Nếu không nhờ sự can thiệp của Nga tại Syria thì đất nước này đã không còn.
Tổng thống Sudan Al-Bashir nhấn mạnh, thảm họa ở Sudan hiện nay cũng là kết quả chính sách của Mỹ, dẫn đến kết quả là đất nước bị chia làm hai, xung đột liên tiếp xảy ra, tình hình ngày càng tồi tệ. Ông khẳng định rằng, Sudan cần sự bảo vệ trước các hành động hiếu chiến của Mỹ.
"Chúng tôi rất cảm ơn Nga về lập trường của Nga trên các sàn đấu quốc tế, đối với chúng tôi lập trường của Nga ủng hộ đất nước Sudan là rất quan trọng. Chúng ta có thể nhận thấy quan điểm chung trong nhiều vấn đề" - Tổng thống Al-Bashir cho biết.
Nhà lãnh đạo Sudan còn cho biết là trong chuyến thăm Nga, ông đã thảo luận kỹ lưỡng với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu về hợp tác quân sự-kỹ thuật, cụ thể là tái trang bị quân đội, thể hiện cụ thể ở hợp đồng Su-35S vừa qua và các thỏa thuận khác trong tương lai.
Vấn đề đặc biệt quan trọng được giới phân tích quan tâm là Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã thảo luận với nguyên thủ quốc gia Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoygu về khả năng thành lập căn cứ quân sự Nga ở ven biển Sudan, gần sát kênh đào Suez, yết hầu quan trọng nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải.
Trả lời câu hỏi của Sputnik về việc ông có bàn bạc vói các nhà lãnh đạo Nga về hướng lập căn cứ quân sự trên biển Đỏ hay không, ông Al-Bashir trả lời rằng: "Ngay từ đầu tôi đã thảo luận với Tổng thống Nga, và sau đó là với Bộ trưởng Quốc phòng về việc Nga sử dụng các căn cứ nước này trên bờ Hồng Hải”.
Như vậy là đã rõ, Nga đã tìm được một đồng minh mới và sắp có một vài căn cứ quân sự bên bờ Biển Đỏ, giáp với Ai Cập, đối diện với Saudi Arabia, cách không xa Israel. Đây là những cơ sở quan trọng giúp Nga nắm giữ vị trí chiến lược ở Trung Đông, xây dựng chỗ đứng vững chắc để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này.
Châu Âu lo ngại trước vị thế mới của Nga
Phản ứng với chuyến thăm Nga của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, Liên minh châu Âu đã kêu gọi chính quyền Moscow thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, được Tòa án Hình sự Quốc tế lấy làm căn cứ để ban lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Al-Bashir.
Bà Frederika Mogherini, Đại diện cấp cao châu Âu tuyên bố: "Liên minh châu Âu kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện các nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo Chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 1593 (2005)”.
Dĩ nhiên là Nga đã không làm điều này bởi ông chủ Điện Kremlin coi nhà lãnh đạo Sudan là “người đứng đầu hợp pháp của đất nước”.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp hôm 24/11 |
Từ năm 1983 đến năm 2005, Sudan đã bùng phát cuộc nội chiến kéo dài 22 năm giữa chính phủ trung ương ở miền Bắc (thủ đô ở Khartoum) và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) chiến đấu cho nền độc lập của Nam Sudan.
Năm 2005, Bắc và Nam Sudan đã thông qua Hiệp định hòa bình CPA (Comprehensive Peace Agreement) nhằm chấm dứt 22 năm nội chiến. Đến tháng 1/2011, gần 99% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý được quốc tế hậu thuẫn đã bỏ phiếu đồng ý tách miền nam khỏi Sudan.
Vào nửa đêm ngày 9/7/2011, nước Cộng hòa Sudan đã chính thức ra đời ở Nam Sudan, với thủ đô là Juba và Mỹ-Israel đã nhanh chóng công nhận quốc gia này, đến ngày 13/7, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận Nam Sudan là thành viên thứ 193 của LHQ.
Mặc dù chiến tranh Nam-Bắc Sudan tạm thời lắng xuống nhưng vẫn còn những điểm nóng tranh chấp và Nam Sudan tiếp tục chìm trong bất ổn khi đấu đá tranh giành quyền lực khiến “nội chiến” miền Nam tiếp tục bùng nổ, có tới 7 nhóm phiến loạn khác nhau đang tàn phá đất nước trẻ tuổi này.
Hiện nay, nối gót Iran, Ai Cập, Lebanon, Syria… Sudan (Bắc Sudan) đang xây dựng quan hệ rất tốt với Nga và đang nhờ Moscow giúp đỡ đầu tư, khôi phục nền kinh tế; cung cấp vũ khí để cải cách, hiện đại hóa quân đội; cho lập căn cứ quân sự để làm “ô bảo vệ”. Ngược lại, Moscow cũng đang sử dụng đất nước này như một công cụ để thu lại lợi ích kinh tế, nâng cao phạm vi ảnh hưởng chính trị và gia tăng hiện diện quân sự ở Trung Đông-Bắc Phi.
Nếu thiết lập được các căn cứ quân sự, đặc biệt là căn cứ hải quân ở bờ biển Sudan, Nga sẽ có một cứ điểm quan trọng ở cửa ngõ kênh đào Suez nối Hồng Hải và Địa Trung Hải. Cùng với các căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, sau này có thể là Ai Cập, đảo Síp…, Nga sẽ tạo ra đối trọng cân bằng với lực lượng của Hạm đội 5 và 6 của Mỹ ở Vịnh Persian và Địa Trung Hải.
Theo Đất Việt