''Tiếng súng'' đầu tiên
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã mở màn cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi dùng quyền hạn của mình, lần đầu tiên trong 20 năm qua, để tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp nhắm vào Trung Quốc.
Một trong những cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện là việc nhập khẩu hơn 600 triệu USD tấm hợp kim nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ thì những cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm vào Trung Quốc lần này được ban hành theo thẩm quyền của Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong Đạo luật Thuế quan năm 1930.
Ông Ross cho hay, hành động của chính quyền Mỹ lần này là để thực hiện lời hứa của Tổng thống Donald Trump với các doanh nghiệp, công nhân và nông dân Mỹ.
"Tổng thống Trump từng nói rằng ông sẽ thực thi các luật thương mại mạnh mẽ hơn và có thái độ cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm của ông. Hành động hôm nay cho thấy chúng tôi quyết thực hiện tốt lời hứa đó với người dân Mỹ", ông Ross nói.
Mỹ điều tra việc nhập khẩu hơn 600 triệu USD tấm hợp kim nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ. |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ tiết lộ, ông thấy nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang bán nhôm tấm tại Mỹ với giá thấp hơn giá bán hợp lý và chính quyền Trung Quốc đang trợ giá một cách không công bằng cho các nhà sản xuất nhôm tấm nước này.
"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất nhôm tấm tại Mỹ đang bị tổn thương do số hàng nhập khẩu này", ông Ross tuyên bố.
Ngoài cuộc điều tra của Mỹ, theo CNBC thì Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cũng đang thực hiện một cuộc điều ra riêng xem các mặt hàng nhập khẩu có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nhôm và người lao động Mỹ hay không.
Dự kiến ITC sẽ đưa ra báo cáo điều tra sơ bộ vào giữa tháng 1/2018. Nếu ITC xác định là công ty Mỹ và người dân nước này bị thiệt hại vì nhôm giá rẻ của Trung Quốc thì Bộ Thương mại Mỹ sẽ đi bước tiếp theo là ra quyết định áp thuế chống trợ cấp vào khoảng tháng 2/2018 và thuế chống bán phá giá vào tháng 4/2018. Thời hạn của những bước đi này có thể kéo dài do quá trình điều tra lâu hơn dự tính.
Căn nguyên
Theo tạp chí Foreign Policy, mặc dù Mỹ có nhiều doanh nghiệp cung cấp thép để phục vụ cho các mục đích quốc phòng, song sự xuất hiện của nhôm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đang khiến Mỹ lo ngại.
Nhôm có độ tinh khiết cao được dùng trong quá trình chế tạo các loại máy bay chiến đấu như F-18 hay F-35 của Mỹ cũng như nhiều loại xe bọc thép khác.
Tuy nhiên, Mỹ hiện chỉ còn một nhà cung cấp nhôm tinh khiết là hãng Century Aluminum, sau khi nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này dã phải đóng cửa. Thế nhưng, hiện tại Century Aluminum cũng chỉ hoạt động năng suất tối đa là 40% do giá nhôm đang giảm mạnh.
Việc nhập khẩu nhôm tinh khiết từ nước ngoài đối với Mỹ cũng rất khó khăn. Hiện chỉ có một vài doanh nghiệp trên thế giới có thể cung cấp sản phẩm này, và phần lớn đều có trụ sở tại Nga, Trung Quốc và vùng Trung Đông.
Ông Jesse Gary, Phó Chủ tịch của Century Aluminum cho biết: ''Nền công nghiệp sản xuất nhôm giờ đây đã rất kiệt quệ. Hãng của chúng tôi hiện nay chỉ hoạt động 40% so với công suất tối đa. Như ông Ross đã nói, chúng ta đang đứng trước nguy cơ đánh mất nền công nghiệp này vĩnh viễn''.
Mỹ đã đánh thuế 370% đối với nhôm tinh khiết nhập khẩu từ Trung Quốc.Và trong những năm qua, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã phối hợp tiến hành nhiều cuộc điều tra nhằm vào các công ty bị nghi trốn thuế nhập khẩu nhôm.
''Sự đi xuống của nền công nghiệp nhôm Mỹ đã trầm trọng hơn nhiều so với thị trường thép nói chung. Sự phát triển của nền công nghiệp nhôm Trung Quốc và sự thụt lùi của Mỹ đang diễn ra rất chóng vánh'', ông Gary nói.
Tai bay vạ gió
Trong tháng 2/2017, Trung Quốc đã sản xuất 2.95 triệu tấn nhôm, nhiều nhất từ trước tới nay. Điều này đã khiến chính phủ Trung Quốc phải chi ngân sách viện trợ cho các nền công nghiệp lớn, không chỉ có nhôm mà còn cả sắt thép, xi măng, thủy tinh.
Nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về việc các nước đang sở hữu ưu đãi về thuế, trong đó có Việt Nam có thể bị lợi dụng trong việc cấp nguồn gốc xuất xứ (C/O) để xuất sang nước thứ ba nhằm tận dụng lợi thế về thuế đối với sản phẩm nhôm.
Lý do là xuất khẩu phôi nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ Việt Nam chỉ vào khoảng 5%.
Theo Wall Street Journal, sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.
Theo Đất Việt