Thị trấn Douma là nơi cuối cùng tại vùng Đông Ghouta còn bị chiếm đóng bởi lực lượng đối lập, theo BBC.
"Hàng trăm người khác đang gánh chịu hậu quả của vụ tấn công", ông Raed al-Saleh, người đứng đầu tổ chức cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng, thông báo trên Twitter.
|
Trẻ em được cấp cứu tại một bệnh viện Syria vì vụ tấn công hóa học hôm 8/4. Ảnh: AP. |
Trước đó, một chiếc trực thăng được cho là đã thả quả bom mang chất độc thần kinh Sarin xuống thị trấn Douma. Theo Hiệp hội các tổ chức chăm sóc y tế, nhiều người đã được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng như co giật và miệng sủi bọt trắng.
Nhiều tổ chức cứu hộ và y tế khẳng định chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã gây ra vụ tấn công khiến 70 người thiệt mạng. Phản hồi lại cáo buộc trên, giới chức Syria và đồng minh Nga khẳng định cuộc tấn công chỉ là "chuyện thêu dệt". Trong khi đó, Mỹ lên án sự ủng hộ của Nga đã trực tiếp dẫn đến cái chết của 70 người vô tội.
Vụ tấn công cũng hứng chịu nhiều sự chỉ trích của các quốc gia khác. Bộ Ngoại giao Anh đã kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp và cho rằng đây là minh chứng cho "sự tàn bạo của chính quyền Tổng thống Assad", New York Times trích dẫn.
Đây không phải lần đầu chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng chất độc hóa học. Tháng 8/2013, chất độc thần kinh Sarin đã được rải xuống vùng nổi loạn Đông Ghouta, làm hàng trăm người thiệt mạng. Chính phủ Syria bị cáo buộc đứng sau vụ này nhưng Damascus luôn bác bỏ sự liên quan.
Theo Zing