Văn phòng Quốc hội cho biết phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 8 đến 13/8.
8 dự án luật sẽ được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Kiến trúc.
Trong phiên họp 26 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu), như dự kiến trước đó.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, hơn 85% đại biểu tán thành tán thành việc lùi thời gian thông qua dự án luật sang kỳ họp thứ 6 (cuối 2018).
Báo cáo đề nghị điều chỉnh thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đặc khu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại hội trường cũng như các góp ý bằng văn bản cho thấy đa số ý kiến tán thành với việc cần thiết ban hành dự án luật và phạm vi điều chỉnh; đánh giá cao sự tiếp thu, điều chỉnh dự án luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét Luật Đặc khu ở phiên họp 26 tới đây |
Đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ và có một số quy định thể hiện sự đột phá nên một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Việc lùi thời điểm này để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân; hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Sau đó, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Ngày 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu, đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo nhằm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của cán bộ lão thành, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân.
Ngày làm việc cuối cùng của phiên họp (13/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Hai nhóm vấn đề được chọn trên cơ sở nguồn thông tin phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, tổng hợp đề xuất nhóm vấn đề chất vấn của đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội từ kỳ họp thứ 5 đến nay.
Thứ nhất, việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ đăng đàn trả lời chất vấn |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến có trách nhiệm trả lời chính. Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan gồm Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thứ hai, về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người trả lời chính là Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan, gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Thời gian dành cho hai Bộ trưởng trả lời vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22 và kỳ họp thứ 5. Theo đó, đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người được chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần.
Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi, giám sát.
Theo Zing