|
Theo TS. Triệu Thế Hùng thì không thể bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
- Trước những bê bối gian lận trong chấm thi vừa qua tại nhiều địa phương, điển hình như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều chuyên gia cho rằng, với tốt nghiệp chỉ nên xét và cấp chứng chỉ thay vì thi như hiện nay. Còn thi đại học cần duy trì và phải trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
Việc tốt nghiệp THPT có tổ chức thi hay không thi, hay chỉ nên xét và cấp chứng chỉ thay vì thi như hiện nay, là những góp ý đáng trân trọng của các chuyên gia cho ngành giáo dục, nhưng dù là phương án nào thì cũng cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, mang tính hệ thống, phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, được xã hội đồng thuận cao. Vì một quan niệm về giáo dục đã ăn rất sâu trong xã hội là, cái gì phải thi thì thường quan tâm học cái đó hơn. Chỉ một yếu tố đó đã cho thấy thay đổi không dễ gì.
Việc tuyển sinh vào đại học đã được quy định rất “mở” trong luật GDÐH. Các trường đại học đã được trao quyền tự chủ cao trong tuyển sinh bằng các phương thức như xét tuyển thông qua học bạ, thông qua kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức thi riêng để tuyển chọn theo yêu cầu.
Nhưng dù đã được trao quyền song nhiều trường “ngại” tổ chức thi tuyển vì nhiều lý do như thi riêng sẽ vất vả, phức tạp hơn, rồi kinh phí cũng phải bỏ ra nhiều hơn... Do vậy, các trường thường sử dụng “miễn phí” kết quả thi tốt nghiệp PTTH để xét tuyển đầu vào. Còn ý kiến góp ý là nên quy định các trường đại học chỉ tuyển sinh qua hình thức thi tuyển, thì rõ ràng đấy lại là một bước lùi của GDÐH.
- Thực trạng gian lận trong chấm thi vừa qua khiến xã hội hoang mang, mất lòng tin và đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng cũng như sự công bằng trong xét tuyển đầu vào của các trường đại học...
Kỳ thi “2 trong 1” cũng chỉ là cách nói thôi vì theo chính sách pháp luật về giáo dục thì đây là hai chuyện ở hai cấp học khác nhau. Việc thi tốt nghiệp PTTH là đánh giá kết quả của 12 năm học của học sinh ở giáo dục phổ thông. Còn sau khi tốt nghiệp PTTH, học sinh có thể tự do lựa chọn là đi lao động luôn, học nghề, hoặc học đại học. Và việc xét tuyển, thi tuyển đúng yêu cầu chất lượng thí sinh đầu vào đại học là nhiệm vụ của GDÐH với nhiều phương thức như Luật GDÐH quy định.
Những lùm xùm, sai phạm trong chấm thi ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH 2018 vừa qua ở một vài địa phương là một vấn đề ảnh hưởng không tốt đối với lòng tin của xã hội về giáo dục. Tuy nhiên, vụ việc đã được Bộ GDÐT, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đã vào cuộc kịp thời xử lý nghiêm khắc. Qua đó ngành giáo dục cần phải tổng kết sâu sắc, đánh giá và rút kinh nghiệm trong quy trình tổ chức của thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Phát huy tối ưu về khoa học công nghệ của các thiết bị hiện đại để hạn chế sự tác động, can thiệp của người tham gia vào quá trình thi, giảm thiểu gian lận đối với kết quả thi.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta cũng phải quan tâm đề cao hơn nữa về ý thức của con người, đó là sự tự giác, trung thực không chỉ với học sinh, với những người tham gia hoạt động giáo dục mà cả với các bậc phụ huynh, để có sự đồng thuận cao về nhận thức, trách nhiệm của xã hội đối với sự công bằng và chất lượng trong xét tuyển đầu vào các trường nghề, trường đại học và cao hơn là vì sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Hội đồng trường giám sát quyền lực
Luật GDÐH sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến, có đề cập vấn đề tự chủ của các trường đại học. Phải chăng đây là điểm mấu chốt trong cải cách giáo dục để nâng cao chất lượng đại học?
Trên thực tế, Luật GDÐH hiện hành đã đề cập vấn đề tự chủ của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, và coi là thuộc tính của GDÐH. Luật GDÐH sửa đổi, bổ sung lần này, sẽ được quy định cụ thể hơn, sâu sắc hơn về tự chủ đại học phù hợp với nhận thức của ngành giáo dục, của nhà giáo, của người học và trước đòi hỏi của xã hội. Ðã đến lúc chúng ta cần phải thực hiện yêu cầu này.
Trong tự chủ đại học thì quan trọng nhất là tự chủ về học thuật. Bởi đây là quyền tự do theo đuổi chân lý khoa học cũng như sự sáng tạo của cả thầy và trò. Như vậy sẽ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tự chủ về chuyên môn, học thuật chính là chìa khóa, là bí quyết của sự phát triển trong giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, các trường phải tự chủ về tài chính, bộ máy. Ðối với các trường đại học công lập, anh không thể tự chủ hoàn toàn điều này khi sử dụng một phần ngân sách nhà nước. Còn với đại học tư thục, do tư nhân đầu tư nên tính tự chủ sẽ cao hơn so với các trường công lập.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các nước tiên tiến trên thế giới quản chặt đầu ra đại học, còn đầu vào rất mở, thì ở Việt Nam, đầu vào 100% thì đầu ra cũng gần bằng như vậy. Phải chăng điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến chất lượng đại học thấp, sinh viên ra trường không có việc làm, thưa ông?
Trước hết, ở các nước khi lựa chọn thi đại học, họ đã có sự phân luồng và hướng nghiệp rồi. Còn chúng ta lâu nay thường quan niệm, vào đời thì cứ phải có tấm bằng đại học. Khi không vào được đại học mới chấp nhận đi học nghề, đi lao động. Ðó là quan niệm cần phải thay đổi trong xã hội. Thời gian qua, chúng ta có nhiều chính sách để hướng nghiệp cho thanh niên. Trong đó khuyến khích “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tức có nghề nghiệp tinh thông, tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay.
Là người nghiên cứu trong lĩnh vực này, tôi thấy môi trường đại học của chúng ta không hẳn đầu vào như thế nào thì đầu ra cũng gần như thế. Thực tế đầu vào 100% thì đầu ra chỉ khoảng 70%, số còn lại bị rơi rớt trong quá trình học. Tuy nhiên số sinh viên nghỉ giữa chừng không hẳn chỉ do không đáp ứng được về kiến thức, trình độ mà có nhiều yếu tố khác, như không đủ điều kiện theo học, hay vì những vấn đề khách quan khác…
Hướng giải quyết vấn đề này, tới đây phải đẩy mạnh phân luồng trong giáo dục ngay từ phổ thông. Ðể học sinh xác định thi vào đại học phải có sự chuẩn bị, xem có đáp ứng được những điều kiện cần thiết để theo học.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong