Chúng tôi đến nhà anh Trần Quốc Lợi (31 tuổi, ngụ Bến Lức, Long An) sau 1 tuần xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Bình Nhật (Bến Lức, Long An) khiến nhiều người chết và bị thương.
Chở chúng tôi về căn nhà dựng tạm trên bãi đất của người chị, anh Lợi cười hiền: "Lúc trước nhà tôi dưới lộ lớn nhưng do chị gái làm ăn thua lỗ nên cha tôi quyết định bán nhà trả nợ cho con. Sau đó, một người chị khác của tôi cho mượn mảnh đất này dựng tạm ngôi nhà làm chỗ che mưa che nắng cho cha mẹ và vợ chồng tôi cùng đứa con".
Khi nhắc về vụ tai nạn đau lòng, anh Lợi kể lúc đó anh đang ngồi ở quán nước gần đó thì nghe tiếng động mạnh. Anh chạy ra thì thấy cảnh tang thương, người chết và bị thương nằm la liệt.
Anh Trần Quốc Lợi
"Thấy họ đau đớn kêu la, tôi không kịp nghĩ gì và lao đến nhờ chú chạy xe ba gác đưa người gặp nạn đến bệnh viện địa phương. Nhiều người bị thương nằm đau đớn nhưng số người giúp thì ít, chủ yếu đứng quay clip, chụp ảnh đăng lên Facebook. Tôi theo xe ba gác đưa hết lượt này rồi quay về đưa lượt khác vào bệnh viện. Sau khi các bác sĩ sơ cứu tôi nhảy lên xe đưa họ lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn" - anh Lợi nhớ lại.
Chỉ đến khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy anh mới sực nhớ mình chưa đón con nên gọi điện về cho người nhà. Anh Lợi thật tình nói: "Trời đất, lúc đó tôi chợt nhớ là mình chưa đón con trai nên gọi điện về nhà. Con mình chưa đón thì có cô giáo, người nhà lo. Còn những người gặp nạn giữa đường mình không lo thì ai sẽ lo cho họ? Lúc ở Bệnh viện Chợ Rẫy tôi không có đồng nào trong túi, mấy anh chị ở bệnh viện góp chút tiền kêu tôi đón xe về nhưng tôi từ chối và đi nhờ xe cứu thương Long An để về nhà".
Một điều nữa anh Lợi chia sẻ với chúng tôi đó là lúc anh về đến nơi thì trời cũng đã tối mịt, chiếc xe anh để ở quán nước không người trông coi cũng còn nguyên chỗ đó. Anh Lợi bộc bạch: "Cha mẹ tôi dạy cứu người là việc cần làm, phải làm và không được nghĩ đến lợi danh. Mình làm việc thiện, tích đức cho đời sau, cho con cái mình. Nên trong cuộc đời tôi, tôi lấy lời dạy của cha mẹ làm mục đích sống cho mình và dạy lại con cái".
Anh Lợi cho biết sau khi thông tin anh cứu người được lan truyền, nhiều người gọi điện muốn hỗ trợ anh một số tiền nhưng anh đều từ chối. "Tôi cảm ơn cô luật sư Quỳnh Thi đã hỗ trợ cho con tôi một ít quà Tết, tấm lòng của cô thì tôi nhận chứ tôi từ chối rất nhiều lời đề nghị khác của nhiều người. Bởi vì như tôi nói, mình cứu người thì sau này sẽ có người khác giúp mình, gia đình mình" - anh xe ôm chân chất nói.
Ba mẹ anh Lợi cho biết thêm gia đình có truyền thống cách mạng, bà cố anh là Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình được Đảng, nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Bản thân anh Lợi cũng đã 2 lần được chính quyền tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, 2 lần bắt trộm và trao trả tài sản cho người bị trộm.
Tiễn chúng tôi sau buổi trò chuyện, anh xe ôm mong muốn mọi người khi thấy tai nạn đừng đứng nhìn, đừng quay phim, chụp ảnh đăng mạng mà hãy hành động, đưa người gặp nạn đi cấp cứu để giành lấy sự sống cho những nạn nhân.
Theo NLĐ