Sau một tuần mở cửa, đến 22h mùng 4 Tết, đường hoa Nguyễn Huệ bế mạc và dọn dẹp, trả lại mặt bằng phố đi bộ lúc 6h ngày hôm sau.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn (Trưởng ban an ninh đường hoa), có khoảng 500 người tham gia dọn dẹp. “Lực lượng bao gồm công nhân vệ sinh, thợ điện, nhân viên các khu du lịch, bảo vệ... cùng khẩn trương làm trong suốt đêm để đảm bảo đúng sáng hôm sau phố đi bộ nguyên trạng ban đầu”, ông nói.
Các tiểu cảnh, chậu hoa, mô hình, linh vật Hợi… lần lượt được tháo gỡ nằm ngổn ngang trên phố đi bộ.
Những mô hình heo - linh vật năm Kỷ Hợi - được vận chuyển lên xe và tái sử dụng ở các khu du lịch như Đầm Sen, Văn Thánh, Bình Quới...
Suốt chiều dài 720 m đường hoa Nguyễn Huệ, những chậu hoa sau một tuần trang hoàng nằm chỏng chơ, chờ cho vào xe rác. "Phần lớn số hoa sẽ bỏ đi, chỉ một vài loại như phong lan, đỗ quyên, mai... thì được giữ lại, trả cho chủ vườn hoặc mang về khu du lịch", ông Sơn cho biết.
Những chậu hoa có giá trị, khả năng sống cao đang được công nhân chất lên xe để mang về trồng tại khu du lịch Bình Quới.
Nhiều máy ủi, máy xúc, xe tải... được huy động để phá dỡ các tiểu cảnh sau khi đã dọn dẹp hết hoa.
Càng về khuya, công nhân vẫn tất bật việc thu dọn. Với các tiểu cảnh khó phải dùng đến máy móc phá dỡ.
Khi thấy hoa vứt xe rác, một số người dân tiếc, chạy lại lấy nhưng bị bảo vệ ngăn lại. Họ phải chờ đến khi xe rác di chuyển ra ngoài mới có thể xin hoa về.
Giữa đêm, nhiều người dân vẫn kiên nhẫn chờ xin hoa khi các công nhân vệ sinh mang ra ngoài hàng rào.
"Nếu để người dân vào bên trong lấy hoa sẽ ảnh hưởng việc dọn dẹp lại tạo tiền lệ không hay. Một vài người xin được hoa sẽ kéo theo hàng trăm người khác, gây nên cảnh hỗn loạn. Hoa còn sử dụng cũng dùng cho hoạt động công ích chứ không bỏ đi", ông Sơn giải thích.
"Đường hoa tồn tại hàng chục năm nhưng sau mỗi lần hết trưng bày những chậu hoa còn tươi lại bị bỏ thẳng vào thùng rác rất uổng phí. Chúng tôi xin vài chậu về trồng lại, họ cho thì lấy chứ không có nhào vô cướp", một người dân cho biết.
Đến 2h, việc dọn dẹp vẫn diễn ra khẩn trương.
"Hoa còn tươi nhiều dù đã trưng bày cả tuần, vẫn có thể để mọi người tham quan thêm nhưng ngày nghỉ Tết cũng sắp hết, chúng tôi phải trả lại phố đi bộ như ban đầu. Ngoài ra, để duy trì đường hoa cũng tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ngày", ông Sơn chia sẻ.
Đường hoa Nguyễn Huệ mở cửa từ ngày 8/2 (28 Tết) với chủ đề TP.HCM – Vững bước vươn xa. Đây là năm thứ 16 liên tiếp, thành phố tổ chức đường hoa.