Người biểu tình 'áo vàng' tuần hành ở Khải Hoàn Môn, Paris hôm 9/2. Ảnh: Reuters. |
Cuộc biểu tình tuần thứ 13 của hàng nghìn người phe "áo vàng" ở thủ đô Paris, Pháp hôm 9/2 biến thành bạo động khi họ cố xông vào tòa nhà Quốc hội và Thượng viện, theo Reuters. Người biểu tình ném mảnh vỡ vào lực lượng an ninh, đốt xe hơi, xe máy và thùng rác khi di chuyển về phía Điện Invalides và Tháp Eiffel.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner bày tỏ "sự ghê tởm" khi những người biểu tình châm lửa đốt một chiếc xe quân sự chống khủng bố. Những chiếc xe này thường được nhìn thấy ở Paris kể từ các cuộc tấn công khủng bố năm 2015.
Các chính trị gia cũng lên án vụ tấn công vào nhà của Richard Ferrand, chủ tịch Hạ viện và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Emmanuel Macron. Ferrand đăng ảnh trên Twitter cho thấy phòng khách bị cháy xém và nói rằng cảnh sát tìm thấy các vật liệu tẩm dầu.
Cảnh sát phải dùng dùi cui và bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Paris. Một người đàn ông bị đứt lìa 4 ngón tay khi cố nhặt một quả lựu đạn được cảnh sát dùng để giải tán đám đông. Một người khác đứng trước hàng cảnh sát chống bạo động với máu chảy trên khuôn mặt.
Bộ Nội vụ thông báo tổng số người biểu tình trên khắp nước Pháp là 12.000, bao gồm 4.000 ở Paris. Tuy nhiên, nguồn tin cảnh sát cho biết con số cao hơn, với 21.000 người biểu tình tham gia các cuộc tuần hành bên ngoài Paris.
Xe quân sự chống khủng bố bị người biểu tình đốt gần Tháp Eiffel hôm 9/2. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi là những người trưởng thành, không phải trẻ con", Hugues Salone, một kỹ sư máy tính ở Paris tham gia biểu tình cho hay. "Chúng tôi thực sự muốn khẳng định quyền lựa chọn của mình, không phải lựa chọn của các chính trị gia".
Các lãnh đạo của phong trào "áo vàng" lên án cảnh sát vì gây thương tích cho người biểu tình, nhưng cũng kêu gọi ngăn chặn bạo lực trong khi tuần hành. Cảnh sát cho biết 31 người biểu tình đã bị bắt.
Phong trào "áo vàng", đặt tên theo loại áo bảo hộ màu vàng mà người Pháp phải mang theo trong xe, bùng phát từ giữa tháng 11/2018. Ban đầu các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Macron, đồng thời bày tỏ sự tức giận về mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao.
Macron đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào tháng 12 năm ngoái bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ euro (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp, đồng thời xóa bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, Macron không đồng ý thay đổi chính sách giảm thuế với người giàu vì cho rằng nó giúp khuyến khích đầu tư.
Theo VNE