Người già Nhật Bản cố tình vào tù vì cô đơn và nghèo đói

Chủ nhật, 10/02/2019, 11:39
Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản cho rằng cuộc sống ở trong tù tốt hơn vì có bạn bè, cơm ăn 3 bữa.

Theo phóng sự của BBC về Toshio Takata, 69 tuổi, vừa mới ra tù, ông nói rằng không thể tự nuôi mình vì nghèo, nên đã cố tình phạm tội để có được "cuộc sống thoải mái".

Kiểu suy nghĩ nghe có vẻ vô lý, nhưng ở Nhật Bản, ngày càng có nhiều người già có cùng tư tưởng với Takada. Như ông Gao Tian (68 tuổi) đã phạm tội nhiều lần. Lần đầu tiên, năm 62 tuổi, ông cố tình lấy trộm một chiếc xe đạp rồi cưỡi đến đồn cảnh sát.

Bà Keiko (70 tuổi) nói, "tôi không hòa thuận với chồng, vì vậy tôi không có nơi nào để đi. Trộm cắp đã trở thành lựa chọn duy nhất của tôi".

Ảnh minh họa. Nguồn: China News.

Ảnh minh họa. Nguồn: China News.

Theo báo cáo của chính quyền, trộm cắp là vi phạm thường xuất hiện của người cao tuổi Nhật Bản. Họ thường ăn cắp ít hơn 3.000 yên (khoảng 635 nghìn đồng). Nhưng ở Nhật, hành vi này phải đối mặt với mức tù khoảng 2 năm hoặc đền bù gấp 100 lần.

Newman, một nhà nhân khẩu học người Australia làm việc ở Tokyo. Ông chỉ ra rằng rất khó để duy trì một cuộc sống nếu chỉ dựa trên lương hưu cơ bản. Trước đây, người già Nhật Bản được chăm sóc bởi con cháu của họ. Nhưng khi kinh tế không tốt, nhiều người trẻ đã rời bỏ đất nước, chỉ còn người già phải bất lực.

Newman nói: "Người già không muốn trở thành sự phiền phức, nhưng họ không thể sống sót nếu chỉ có lương hưu, vì vậy cách duy nhất để giảm gánh nặng cho con cháu là vào tù. Trong tù, họ được đảm bảo 3 bữa một ngày mà không phải trả tiền".

Theo quan sát của Newman, chính phủ Nhật Bản gần đây đã mở rộng không gian của nhà tù và tuyển thêm nhiều nữ cai ngục để đối phó với sự gia tăng tội phạm tuổi già, đặc biệt là sự gia tăng các nữ tù nhân cao tuổi. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh về chi phí y tế trong các nhà tù.

Masatsugu Yazawa, một người quản lý nhà tù, nói rằng để hỗ trợ các tù nhân cao tuổi, nhà tù phải thực hiện một số cải tiến, như lắp đặt một số tay vịn, nhà vệ sinh đặc biệt phù hợp với người già.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shiho Fukada.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shiho Fukada.

Các tù nhân có nhiều hoạt động khác nhau trong tù, bao gồm hát karaoke. Nên một số tù nhân vẫn cảm thấy cuộc sống trong tù tốt hơn, có nhiều người ra tù đã trở lại sau vài ngày.

Yamada (85 tuổi), người đứng đầu Trung tâm Phục hồi chức năng, tin rằng tài chính chỉ là một lý do nhỏ. Còn yếu tố tác động đến tội phạm già ở đây là vấn đề tâm lý.

Ông Yamada nói: "Ở những người già phạm tội, thường có một sự đau buồn. Ví dụ, họ đã mất vợ hoặc con và không thể đối mặt với thực tế nữa. Nói chung, nếu có ai đó quan tâm và hỗ trợ, họ đã không phạm tội. "

Yamada tin rằng nhiều tội phạm lớn tuổi chỉ sử dụng nghèo đói như một cái cớ. Vấn đề chính của họ là sự cô đơn, thế nên họ vào tù chỉ để tìm những người bạn. "Tốt hơn là nên thành lập một mô hình làng hưu trí lớn, cho phép người về hưu bỏ một nửa lương hưu để có thể ăn uống và được chăm sóc y tế miễn phí", ông Yamada bày tỏ quan điểm.

Người già có thể hát hò, chơi game và có sự tự do trong các làng hưu trí. Sau khi tính toán tất cả các chi phí, Yamada thấy rằng nó thấp hơn nhiều so với chi tiêu của chính phủ hiện tại.

Theo nhà nhân khẩu học Newman, ngoài các suy nghĩ cực đoan tìm cách vào tù, tự tử đang trở nên phổ biến hơn ở những người cao tuổi Nhật Bản vì họ không muốn gây rắc rối cho người khác.

Theo VNE

Các tin cũ hơn