“Kỷ luật cán bộ không làm suy giảm uy tín của Đảng”

Thứ hai, 11/02/2019, 09:09
Thực tế đã chứng minh, siết chặt kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên cấp cao nhất thì uy tín của Đảng không giảm sút mà ngày càng tăng lên.

Di huấn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là “trước hết nói về Đảng”. Và việc đầu tiên Người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng. Bởi lẽ, ở cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong nhiều chục năm, Người thấu hiểu và xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người căn dặn phải hết sức quan tâm tới vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì Đảng mới mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có đội ngũ đảng viên ưu tú thì mới hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong đoạn “trước hết nói về Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 3 nội dung rất quan trọng đó là: giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.

Trong xây dựng Đảng, Bác căn dặn phải hết sức chú ý tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, coi phẩm chất đạo đức cách mạng là gốc. Bác nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo quan niệm của Bác, người cán bộ của Đảng phải có đạo đức cách mạng, vì không có đạo đức thì “dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; các tổ chức Đảng phải được xây dựng vững mạnh, mới làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình.

Thực hiện Di chúc của Bác, trong suốt 50 năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa IV), Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) và gần đây như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)... Có thể thấy, ở tất cả các thời kỳ lịch sử sau khi Bác đi xa, Đảng ra đều hết sức chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vượt qua những thách thức của đất nước sau ngày giải phóng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển để có được cơ đồ và vị thế như hiện nay. Đó là kết quả của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới, trước sự tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, tác động của sự mở cửa, cám dỗ về vật chất, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã không giữ vững được bản lĩnh chính trị, rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, quan liêu, xa dân... những yếu tố đó cũng đặt ra cho Đảng không ít khó khăn, thách thức. Cho nên trong cuộc chiến đấu “khổng lồ”, chống chủ nghĩa cá nhân, hư hỏng, suy thoái, đòi hỏi bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Đảng, nhưng đồng thời cũng phải tìm những biện pháp, giải pháp thích hợp thì mới có thể đẩy lùi những tiêu cực.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta nêu cao quyết tâm chính trị, tuyên chiến với những hư hỏng, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vô cảm xa dân. Câu nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” trở thành quyết tâm chính trị, thành xu thế, phong trào không thể cưỡng lại được.

Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy những tín hiệu khởi sắc, rất đáng mừng. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm.

"Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy những tín hiệu khởi sắc, rất đáng mừng"

Trong năm 2018 cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Kết quả bước đầu đó đã chứng minh rằng Đảng ta đã nhất quán giữa nói và làm, tạo sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

“Đó cũng là cách chúng ta thực hiện căn dặn của Bác trong Di chúc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công việc này còn tiếp tục và lâu dài khi sứ mệnh lịch sử của Đảng lãnh đạo đất nước, dân tộc, củng cố sức mạnh độc lập dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thì thường xuyên phải đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta cũng không vui vẻ gì khi phải xử lý cán bộ, đảng viên của mình, song phải chấp nhận vì đó là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, yêu cầu của Đảng cầm quyền buộc phải siết chặt kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm cho Đảng, đất nước, dân tộc phát triển lành mạnh” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Kỷ luật cán bộ không làm suy giảm uy tín của Đảng

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, không nên nhìn vào số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mà nghĩ rằng uy tín của Đảng giảm sút. Thực tế đã chứng minh, từ khi đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, siết chặt kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên cấp cao nhất thì uy tín của Đảng không giảm sút mà ngày càng tăng lên. Và một tín hiệu đáng mừng đó là cùng với sự quyết liệt của Trung ương, các địa phương đã từng bước khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, mạnh tay với những sai phạm. Qua đó, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng tốt hơn và uy tín của Đảng sẽ ngày càng được nâng cao.

“Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách, lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để chia rẽ nội bộ, lôi kéo phần tử bất mãn để làm lũng đoạn, gây mất trật tự chính trị. Do đó, Đảng ta càng phải kiên quyết siết chặt kỷ luật, kiên trì đấu tranh, đồng thời cũng phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch” – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thực hiện lời di huấn của Bác, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần được tiến hành trên nhiều phương diện, đó là tiếp tục bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, không ngừng hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, chống biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ, phát triển kinh tế...

Cùng với đó, cần tập trung vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, tăng cường hơn nữa trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng không nên sớm bằng lòng mà cần tiếp tục giữ “lò” luôn rực lửa. Đồng thời với “chống” quyết liệt cần phải “xây” một cách bài bản, bắt đầu từ việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thời gian qua do nhiều nguyên nhân, từ yếu tố khách quan, do sự quản lý cán bộ chưa tốt, kỷ luật chưa nghiêm nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là do cán bộ không giữ được mình, ít rèn luyện, tu dưỡng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay càng đòi hỏi ý thức trách nhiệm, nêu gương của mỗi người, từ cán bộ cấp cao đến công nhân viên, từng đảng viên ở cơ sở.

“Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, quan liêu của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết, văn kiện của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Theo VOV

Các tin cũ hơn