Theo phong tục của người Việt, ngay đêm Giao thừa hoặc sáng mùng một Tết sẽ ra ngoài hái những lá non, chồi non mới nở rồi mang về nhà, gọi là hái lộc. Dần dần, nhân việc đi chùa cầu bình an đầu năm, người ta lại hái luôn các chồi non trong chùa với quan niệm “xin lộc ở chùa mới thiêng”.
Sau này, nhiều người “hái lộc” bằng cách mua những cành vàng lá ngọc, hoa, phong bao lì xì được bày bán trước cổng chùa về trưng trong nhà để cầu phú quý, vinh hoa, phát tài phát lộc.
Thậm chí, trong các lễ hội tháng Giêng, hình ảnh hàng ngàn người chen chân nhau để xin lộc, giành lộc không còn xa lạ gì. Điển hình là vào Tết 2017, hình ảnh tranh cướp lộc ở chùa Hương đã tạo ra sự phản cảm, bất bình trong dư luận xã hội.
Vậy hái lộc để làm gì, thực hư việc hái lộc ra sao?
Hái lộc để năm mới tươi vui
Trong Đất lề quê thói, Nhất Thanh cho biết, ở các tỉnh thành lúc Giao thừa, người ta đua nhau đi chùa, đền hay miếu, cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân cho cả gia đình suốt năm khang an cát khánh, mọi việc như ý.
Đi lễ cầu phúc đầu năm sớm, không ai mang lễ vật vàng hương như ngày thường, đến nơi đã sẵn có bán, chỉ cần mua hương thắp vái khấn. Nhiều khi quá đông người không thể vào lễ trước bàn thờ, phải đứng ngoài sân trước cửa đền cầm hương thắp khấu đầu vái và khấn cầu; có người mang theo vài ba nén hương gọi là hương lộc đem cắm vào bát hương Táo quân ở nhà… Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban biểu tượng cho hồng vận thịnh vượng.
Cũng nhiều người không xin hương lộc, lễ xong ra sân vườn chùa miếu bẻ lấy một cành lá, tục gọi là hái lộc, mang về giắt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên. Năm mới lúc trở về có tài lộc mang theo, cành lá xanh tốt lại còn có ý nghĩa vui tươi.
Các thanh niên lao vào tranh cướp lộc, mong có được may mắn |
Ở thôn quê, trời tối như đêm Ba Mươi Tết, lại hay có mưa, không mấy ai đi lễ đêm, người ta đợi sáng ngày Mồng Một làm cỗ cúng gia tiên rồi mới đi lễ chùa lễ đền, miếu xin lộc.
Xin lộc ở chùa là lòng tham
TS Trần Long, Giảng viên Khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, ngày trước ở miền Bắc, ngay sau Giao thừa, người dân có tục đi hái lộc. Lộc ở đây là những chồi non của cây lá trên đường đi. Hái chồi non, lá non của cây giống như một sự xin may từ thiên nhiên trong đời sống tâm linh.
Còn các chùa trong đêm Giao thừa thường sẽ mở cửa phục vụ chúng sinh đến cầu bình an, phước lành cho mình, cho gia đình và xã hội. Vậy nên cúng xong Giao thừa, mọi người lại rủ nhau lên chùa rồi hái lộc trên đường về hoặc đơn giản chỉ là đi hái lộc ở ngoài đường mà không cần đến chùa.Theo TS Long, dần dần sau này, một số người cho rằng đến chùa xin lộc mới thiêng và từ đó họ đã vô tình biến chùa thành một... dịch vụ bất đắc dĩ. Thay vì là nơi để người dân cầu an lành thì giờ đây, chùa còn trở thành nơi… cấp lộc.
Người dân quan niệm càng cướp được nhiều lộc càng may mắn nên càng tranh cướp hỗn loạn |
Điều này làm nhiều chùa, đền phải dựng bảng cấm người dân tự ý bẻ cành, hái lộc để không làm xấu cảnh quan trong chùa.
“Chùa là một đơn vị đại diện cho quan điểm duy tâm siêu hình chứ không phải là nơi cấp lộc, phát lộc cho người dân. Còn nhớ năm 2017 cảnh tranh giành lộc từ sư thầy ở chùa Hương đã tạo nên sự phản cảm trong dư luận. Có biến tướng này là do cả một quá trình đời sống kinh tế, nhận thức của nền nông nghiệp và nhiều mong muốn của người dân, để rồi áp đặt chức năng vô lý cho nhà chùa”, TS Long nhận định.
Cũng theo TS Long, quan niệm của Phật giáo là tâm yên thì vạn sự đều yên. Người xưa hái lộc ngoài trời là của tự nhiên, trời cho. Còn chùa là nơi cầu an yên, an lành. Nay người ta đi chùa còn cầu cho giàu có nữa, đó là lòng tham.
Theo Thanh Niên