Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Trung Quốc 'đồng hóa' người Duy Ngô Nhĩ

Chủ nhật, 10/02/2019, 07:47
Ankara cho rằng người Duy Ngô Nhĩ bị giam phải chịu "tra tấn", "tẩy não chính trị", trong khi những người không bị giam cũng chịu áp lực rất lớn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy. Ảnh: Anadolu.

"Các chính sách đồng hóa có hệ thống của nhà chức trách Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là nỗi hổ thẹn lớn cho nhân loại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy tuyên bố hôm 9/2, theo AFP. "Không còn là bí mật khi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt tùy tiện phải chịu tra tấn và tẩy não chính trị tại các trung tâm và nhà tù tập trung".

Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm ngoái cáo buộc Trung Quốc lấy lý do chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và duy trì ổn định xã hội để biến khu tự trị của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thành trại giam. Ủy ban cáo buộc Bắc Kinh giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải huấn chính trị" tại khu tự trị Tân Cương.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định những người Duy Ngô Nhĩ không bị giam trong các trại tập trung cũng chịu áp lực rất lớn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "thực hiện các bước hiệu quả để chấm dứt thảm kịch của con người ở khu vực Tân Cương".

Aksoy cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã biết về cái chết "bi thảm" của nhà thơ và nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit. "Chúng tôi rất buồn khi biết nhà thơ Abdurehim Heyit, người bị kết án 8 năm tù vì các sáng tác của mình, đã chết khi đang bị giam năm thứ hai," ông nói. "Sự việc bi thảm này củng cố thêm phản ứng của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở khu vực Tân Cương".

Tân Cương cách Thổ Nhĩ Kỳ hàng nghìn km nhưng người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ Nhĩ Kỳ có ngôn ngữ và văn hóa rất gần gũi do cùng là những nhóm sắc tộc gốc Thổ. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các nước Hồi giáo không lên tiếng về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương do Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng.

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương năm 2009. Ảnh: AFP.

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương năm 2009. Ảnh: AFP.

Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những người ly khai. Các nhóm này đã tấn công và khuấy động căng thẳng giữa thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với dân tộc Hán.

Trung Quốc luôn bác bỏ báo cáo của Liên Hợp Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, khẳng định các "trại cải huấn chính trị" là những "trung tâm đào tạo nghề" để giúp người Duy Ngô Nhĩ tránh xa khủng bố và tái hòa nhập xã hội. Mỹ nhiều lần chỉ trích và dọa sẽ trừng phạt quan chức Trung Quốc bị cáo buộc giám sát các chính sách ở Tân Cương cũng như các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các trại giam và tạo ra các hệ thống giám sát người Duy Ngô Nhĩ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn