|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
"Họ rất thù địch và thực sự là những kẻ gây hấn hàng đầu. Tôi nghĩ rằng Iran sẽ phạm sai lầm rất lớn nếu định làm gì đó chống lại Mỹ. Mọi hành động như vậy sẽ bị đáp trả bằng vũ lực mạnh, chúng ta không có lựa chọn nào khác", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 21/5.
Hàng loạt tuyên bố cứng rắn của Trump như dọa hủy diệt Iran, cùng việc Mỹ triển khai lực lượng hùng hậu đến gần quốc gia Trung Đông và rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Iraq gây lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự giữa Washington và Tehran.
Nhiều người chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, cho rằng quan chức mang tư tưởng "diều hâu" này là người đang hối thúc Trump tìm cách thay đổi chế độ lãnh đạo tại Iran. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các động thái của Trump không nhằm chuẩn bị cho một giải pháp quân sự, mà là chiến thuật để giành ưu thế trên bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ đã gia tăng áp lực lên Tehran trong suốt hai năm qua, như rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, áp đặt nhiều biện pháp cấm vận cứng rắn. Ông chủ Nhà Trắng từng cam kết sẽ tái đàm phán nhằm mang lại một thỏa thuận tốt hơn, trong đó có kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran và giảm ảnh hưởng của nước này tại khu vực Trung Đông.
"Chiến thuật tương tự đã được Trump áp dụng nhằm giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, cứng rắn hết mức tới ngay trước ngưỡng hành động quân sự", Thomas Wright, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings của Mỹ, nhận xét.
Trump từng tuyên bố sẵn sàng "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" sau khi Bình Nhưỡng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm xa năm 2017. Ngay khi nước này đồng ý đàm phán phi hạt nhân hóa, ông chủ Nhà Trắng đã từ bỏ những lời đe dọa và chuyển sang ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, Wright cho rằng áp lực tối đa về kinh tế và quân sự có thể dẫn đến cảnh "gậy ông đập lưng ông", do tình hình Iran khác với Triều Tiên.
"Các cố vấn Mỹ khi đó lo ngại Trump sẽ thực sự gây chiến với Triều Tiên, vì vậy không có khả năng họ lôi kéo ông ấy vào kịch bản phiêu lưu quân sự. Với Iran, nhiều quan chức Mỹ lại muốn ông chủ Nhà Trắng dùng biện pháp quân sự. Điều này có thể làm những toan tính của Trump bị lệch hướng", Wright cảnh báo.
Trong chiến dịch chạy đua tranh cử năm 2016, Trump luôn thể hiện mình là người đi đầu trong các cuộc đàm phán, đồng thời đề cao khả năng thúc ép đối thủ và đạt được thỏa thuận có lợi cho Mỹ.
"Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm kết quả có lợi trong đàm phán. Đây là lãnh đạo muốn thể hiện năng lực giải quyết các vấn đề rất khó khăn mà những người tiền nhiệm từng thất bại", Sanam Vakil, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House ở Anh, cho biết.
Vakil cho rằng Tehran nắm rõ những điểm chung với Bình Nhưỡng và đang theo dõi sát tình hình bán đảo Triều Tiên để đánh giá kịch bản này có tái diễn với Iran hay không. Nhưng Mỹ sẽ khó tìm được đột phá ngoại giao với Iran.
|
Chiến hạm Mỹ diễn tập trên Biển Arab gần Iran hôm 18/5. (Ảnh: US Navy). |
"Chiến lược của Trump dựa trên ý tưởng rằng tăng áp lực tối đa để buộc Iran trở lại bàn đàm phán thể hiện tầm hiểu biết giới hạn về Cộng hòa Hồi giáo Iran và quan điểm của họ. Tôi không nghĩ việc dồn Iran vào chân tường là chiếc lược phù hợp", Vakil nói thêm.
Iran có thể đang chờ dấu hiệu nhượng bộ từ Mỹ trước khi đồng ý đàm phán. Tổng thống Trump cũng tỏ ý hoan nghênh đối thoại với Tehran. "Tất cả đều phụ thuộc vào Iran. Nếu họ liên hệ, hai bên chắc chắn sẽ đàm phán, nhưng tôi chỉ muốn họ gọi khi đã sẵn sàng", Trump nói.
Một số nhà phân tích lại cho rằng Iran dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực kinh tế hơn Triều Tiên, khiến nước này có thể sớm tìm phương án đối thoại.
"Chiến thuật gây áp lực tối đa có hiệu quả vượt trội với Tehran do nước này phụ thuộc vào giao thương quốc tế nhiều hơn Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng âm thầm hỗ trợ Triều Tiên vì lo ngại Kim Jong-un có thể hành động mất kiểm soát nếu áp lực kinh tế trở nên quá nghiêm trọng", Gary Samore, cựu quan chức chính quyền tổng thống Barack Obama, đánh giá.
Giới lãnh đạo Iran hiện không hào hứng đàm phán với Mỹ, nếu thỏa thuận hạt nhân họ đạt được với chính quyền Obama không được khôi phục.
"Buổi sáng họ đưa tàu sân bay tới, buổi tối họ đưa cho chúng tôi các số điện thoại. Nhưng chúng tôi đã có quá đủ số điện thoại từ người Mỹ rồi", Tổng thống Iran Hasan Rouhani tuần trước tuyên bố.
Theo VNE