Chiến lược Iran chệch hướng, Tổng thống Trump nổi cáu với các cố vấn

Thứ bảy, 18/05/2019, 09:31
Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự bất mãn đối với cố vấn John Bolton khi chiến lược an ninh mà ông này thực hiện đẩy Mỹ tiến gần tới xung đột quân sự với Iran.

Ông chủ Nhà Trắng đã nổi cáu với các cố vấn an ninh diều hâu của ông đang tiến gần hơn một cuộc chiến với Iran, trái ngược với mong muốn của nhà lãnh đạo Mỹ là chỉ muốn cô lập Tehran, CNN dẫn nguồn tin những người quen thuộc với vấn đề cho biết.

Thay vào đó, Tổng thống Trump đang thể hiện ý định muốn đối thoại với Iran khi căng thẳng gia tăng ở Vịnh Ba Tư dù khả năng đó không được đánh giá cao ở thời điểm hiện tại.

Hôm 16/5, ông Trump đã hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer tại Nhà Trắng, để cố gắng thiết lập một kênh mà Mỹ có thể nói chuyện với Iran trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang tăng cao.

Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức và Thụy Sĩ đóng vai trò cầu nối. Tuần trước, khi Tổng thống Trump kêu gọi Iran gọi điện cho ông giữa lúc căng thẳng gia tăng với Tehran, Nhà Trắng đã liên lạc với Thụy Sĩ để cung cấp số điện thoại mà phía Iran có thể gọi cho tổng thống.

Ông Trump nói với các thành viên trong đội ngũ cố vấn của ông rằng bắt đầu cuộc xung đột mới sẽ phá hỏng lời hứa trong tranh cử về giảm can dự ra bên ngoài. Chiến lược ông Bolton đưa ra đang đẩy Mỹ gần hơn tới nguy cơ chiến tranh.

Sự bất mãn tăng cao

Tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi các cố vấn khác để phàn nàn về Bolton, nói ông rất thất vọng.

Cố vấn an ninh John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence trong một cuộc hội đàm. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Sự thất vọng của tổng thống đối với cố vấn Bolton thực tế bắt đầu từ vụ Venezuela. Bolton và các trợ lý đã công khai gợi ý về giải pháp quân sự với Venezuela, buộc Tổng thống Trump phải lên tiếng cảnh báo.

Khi căng thẳng với Iran leo thang trong tuần qua, các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) do Bolton đứng đầu đã bác bỏ các biện pháp giảm căng thẳng, kể cả trong cuộc họp tuần trước với các quan chức Lầu Năm Góc.

Nhưng trong cuộc họp tiếp hôm 15/5, các quan chức NSC đã bày tỏ quan điểm dịu hơn, đưa ra các biện pháp răn đe và phương án giảm căng thẳng để tổng thống xem xét.

Hôm 15/5, Tổng thống Trump đã phủ nhận bất kỳ sự mâu thuẫn nội bộ nào về chính sách Trung Đông của ông, song ông nhắc lại mong muốn được nói chuyện với Iran.

Bolton muốn gây chiến với cả thế giới

Các cố vấn khác của Tổng thống Trump giờ đây có sự cảnh giác cao đối với Bolton: “Chúng tôi phải cẩn trọng với đội của ông ấy”, một trong số các cố vấn bên ngoài của Tổng thống Trump nói về Bolton.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (phải) bắt tay với Tổng thống Trump trong một cuộc hội đàm. (Ảnh: AP)

Một số cố vấn khác nói Tổng thống Trump không có hứng thú khi nói đến xung đột quân sự với Iran. Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Trump phản đối mạnh mẽ việc tham gia vào các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài.

Đặc biệt là quyết định xâm lược Iraq của cựu Tổng thống George W. Bush, dựa trên thông tin tình báo sai lầm về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq. Khi đó, Bolton phục vụ với tư cách Bộ trưởng Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế.

Ban đầu, Tổng thống Trump tỏ ra do dự với việc đưa Bolton trở lại chính trường. Cuối cùng, Tổng thống Trump đã thuê Bolton chỉ đạo các trợ lý và nói với mọi người rằng Bolton đã hứa với tổng thống sẽ không gây thêm bất kỳ cuộc chiến nào.

Tổng thống Trump thường xuyên nói đùa với lãnh đạo, đại sứ và sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, rằng Bolton muốn xâm chiếm các nước và bắt đầu chiến tranh.

Quan điểm diều hâu và việc ông Bolton thường xuyên tiếp cận Tổng thống Trump đã gây xáo trộn cho các thành viên trong vòng tròn chính sách đối ngoại của ông Trump.

Khi những quan chức có quan điểm ôn hòa như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson rời khỏi chính quyền, Bolton dường như trở nên tự do hơn.

Một số quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc có ý định thực hiện các bước để giữ Bolton trong tầm kiểm soát. Trước khi trở lại chính trường với tư cách cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông Bolton từng công khai ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Iran.

Tổng thống sẽ là người quyết định cuối cùng

"Một số ý kiến khác nhau đã được nêu ra và tôi sẽ là đưa ra quyết định cuối cùng, đó là quá trình bình thường”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Sarah Sanders, thư ký báo chí Nhà Trắng hôm 16/5, phủ nhận bất kỳ sự chia rẽ nào trong chính quyền đối với vấn đề Iran, nhưng bà nói rằng quan điểm của tổng thống sẽ thắng thế.

Tuy vậy, dù nói muốn giảm căng thẳng, chính ông Trump là người rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tăng cường các biện pháp trừng phạt, bất chấp lời khuyên của các cố vấn.

Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Iran. (Đồ họa: Salamnfws)

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Trump đã chỉ đạo các trợ lý siết chặt sự phát triển của kinh tế Iran. Tổng thống Trump tin rằng ông có thể gây áp lực đối với lãnh đạo Iran để tiến hành đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới mà ông cho là tốt hơn trước.

Tuy nhiên, khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Iran, điều này khiến Tehran bị dồn ép, đả kích và muốn đáp trả nhiều hơn là muốn trở lại đàm phán.

Hiện tại, Iran cho thấy không sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Trump. Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Mỹ giống như “thuốc độc”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump từ lâu bày tỏ sự lo lắng về bất kỳ đề nghị, quyết định hoặc hành động của ông đang bị thao túng, hoặc dàn xếp bởi một người khác.

Diễn biến mới nhất

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom đến Trung Đông. Nhà Trắng cũng cập nhật phương án triển khai 120.000 quân đến Trung Đông nếu Iran tấn công lực lượng Mỹ trong khu vực, hoặc tăng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân.

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại Biển Đỏ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Hôm 15/5, Mỹ tuyên bố sơ tán một phần đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil, Iraq, nhằm đối phó với các mối đe dọa mới trong khu vực. Tuy vậy, một số đồng minh của Mỹ trong khu vực đã đặt câu hỏi về mối đe dọa từ nguồn tin tình báo mới.

Ngay cả trong chính quyền Mỹ, các quan chức mô tả mối quan tâm ngày càng tăng của các nhân viên đối với chính sách Iran của Tổng thống Trump. Cố vấn Bolton và phe diều hâu tại NSC đã thúc đẩy “hành động vì hành động”, nhưng không có chiến lược hay mục tiêu rõ ràng.

Họ chỉ muốn tăng cường áp lực tối đa đối với Iran, leo thang căng thẳng mà không có chiến lược cụ thể để hạ nhiệt vấn đề.

Trước câu hỏi về Bolton liên quan đến bất ổn ở Venezuela, Triều Tiên và Iran, những nơi Mỹ có quan điểm cứng rắn nhưng không có nhiều tiến bộ được đưa ra vào tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng các cố vấn của ông có quan điểm cứng rắn, nhưng yêu cầu cố vấn Bolton phải bình tĩnh.

Theo Zing

Các tin cũ hơn