|
Tàu khu trục USS Preble của hải quân Mỹ. (Ảnh: US Navy). |
"Tôi cho rằng mỗi nước sẽ phải đánh giá tình hình và có cách tiếp cận riêng. Tuy nhiên, sẽ đến lúc hải quân phải hành động và đưa ra các biện pháp cho lãnh đạo nước họ", Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson ngày 16/5 trả lời câu hỏi câu hỏi của báo giới về việc liệu Australia, Indonesia và các nước khác trong khu vực có nên tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc hay không.
Theo đô đốc Mỹ, cả Australia và Indonesia, hai quốc gia đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương, đều là những nước ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc và luật lệ và nên có sự hiện diện mạnh mẽ hơn trên Biển Đông. "Việc hải quân các nước lựa chọn hành động thế nào trên Biển Đông tùy thuộc vào quan điểm về chủ quyền quốc gia của họ", ông nói.
Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings nhận định rằng câu trả lời Đô đốc Richardson cho thấy Mỹ rõ ràng mong muốn thấy các nước khác theo đuổi hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
"Nếu bạn tiến vào vùng 12 hải lý, bạn về cơ bản đang thể hiện rằng không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Australia thường đi qua Biển Đông, nhưng không tiến hành hoạt động ở trong khu vực 12 hải lý. Tôi cho rằng Mỹ dường như thất vọng khi các nước khác như Australia không làm như vậy", Jennings viết.
Bình luận của tư lệnh Mỹ được đưa ra sau khi Washington triển khai hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 6/5. Hải quân Mỹ khẳng định đây là hoạt động nhằm "thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý và bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển theo luật pháp quốc tế".
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, hải quân Mỹ tiến hành nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 1, tàu khu trục USS McCampbell cũng áp sát quần đảo Hoàng Sa để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Theo VNE