|
Từ một con nghiện ma túy tưởng chừng không tránh khỏi cái chết, L. tự vực mình dậy, làm lại cuộc đời |
'Vào trại cai nghiện cũng có 'hàng'
“Mình không chích, tụi nó bảo mình quê mùa, thiếu đẳng cấp, không đáng mặt dân chơi. Mình chích. Chích vào thấy nó phê, nó đã, lúc nào cũng thấy bạn tình rất gần. Một hai lần chưa ghiền, nhưng cái cảm giác nó kích thích ham muốn tình dục lên, khiến mình nghiện hồi nào chẳng hay…”, L. (SN 1976, ngụ Q.4, TP.HCM) rùng mình khi khơi lại câu chuyện về những năm tháng mụ mị trong thế giới của thứ chất trắng chết người.
Sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em, nhưng chẳng được mấy người học hành, làm ăn tới nơi tới chốn. Học đến lớp 6, L.bỏ ngang phần vì cái nghèo, vì xốc nổi, chẳng muốn ngày ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường với những con chữ chán ngắt. Và phần khác, vì L. sớm nhận ra mình không được sống đúng với giới tính thật, với những cái nhìn không mấy tốt của bạn bè đồng trang lứa.
L. sớm nghỉ học, sớm nhận ra mình không được sống đúng với giới tính thật của mình và sớm bước chân vào con đường nghiện ngập từ những lời thách thức của bạn bè |
L. đi bán nước sâm, trà đá và đủ thứ nghề kiếm sống. Giao du với bạn bè giàu có, L. bắt đầu lâm vào cảnh ăn chơi sa đọa, với những đêm trắng ở bar, vũ trường. Bạn bè sử dụng ma túy, kèm theo những lời khích tướng khiến cô chẳng thể làm ngơ. Một lần, hai lần, cô bước vào con đường sa đọa, ghi dấu tuổi trẻ mình bằng những vết trượt dài.
Lũ bạn giàu cho chơi chung trước, vung tiền bao cả đám. Rồi mình nghiện, mà ai lo cho hoài, nên phải tự bỏ tiền ra chơi. Bao nhiêu là đủ? Chẳng bao nhiêu là đủ cả! Để có tiền phê thuốc, mình làm gái, rồi đến dẫn mối gái. Về nhà, mình xin thêm tiền má. Xin không được, mình trộm. Má làm công nhân, lương ba cọc ba đồng. Bao nhiêu tiền trong nhà mình phá hết”, L. kể lại.
Mẹ L. nhận ra những bất thường nơi con và chẳng lâu để phát hiện cô đã bước vào con đường tội lỗi. Bà suy sụp, nhưng cố gắng bình tĩnh, đưa cô vào trại cai nghiện. Chẳng ngờ, thứ chất cấm ấy vẫn chực chờ ở nơi tưởng là đã an toàn.
“Ở trỏng cũng có “hàng” (ma túy – PV) vậy. Đứa này móc nối đứa kia, tuồn ở ngoài vô. Hễ có tiền là có cái để phê. Đã không cai được, còn quen nhiều “bạn nghiện” hơn, chỉ đợi ngày ra ngoài là rủ rê nhau chơi tiếp. Chẳng lâu sau, mình trở về, sống tiếp những tháng ngày đen tối. Mặc má bất lực khuyên ngăn đủ điều, mình vẫn không cách nào dừng lại được”, L. nói, giọng đầy ám ảnh.
Mẹ đưa L. vào trại cai nghiện, chẳng ngờ vẫn có ma túy chực chờ ở đó |
13 năm, L. sống vật vờ trong những cuộc ăn chơi và hút chích vô độ. Cho đến năm 35 tuổi, những cơn phê ma túy đá lên đến đỉnh điểm, khiến cô trở thành một người điên dại.
L. hạ giọng, tả lại những ký ức kinh hoàng vẫn luôn chập chờn trong đầu: “Những ảo giác ghê tởm lắm! Tự nhiên cầm kéo cắt phăng mái tóc dài. Rồi lúc nào cũng thấy cảnh sát hình sự đi theo. Ra đường thì luôn luôn có cảm giác người ta nhìn mình, theo dõi mình để trả thù. Cũng chẳng dám gặp bạn bè vì sợ người ta lừa gạt. Ở nhà, dù vẫn còn nhận ra má, nhận ra em, nhưng luôn miệng kêu má “phải bán nhà đi, không thôi người ta sẽ đến hại mình””.
Thêm 2 năm ròng rã, những tưởng đã chẳng còn cách nào để vực L. ra khỏi vũng lầy chết chóc. Mãi cho đến một lần tỉnh táo hiếm hoi, cô đã suy nghĩ rất nhiều và “thấy mình đã sống không giống một con người từ rất lâu rồi”.
L. bừng tỉnh.
'Chưa bao giờ là muộn để bắt đầu lại từ những sai lầm'
Có 3 thứ đã khiến L. đi đến quyết định phải trốn xa thế giới của thứ chất cấm kia. Cô nói: “Một vài lúc tỉnh táo hiếm hoi, bỗng nhiên mình thấy nhục. Cái nhục của một con người không làm ra tiền, không có gì trong tay, bị người ta khinh khi. Rồi mình thấy đứt ruột khi nhìn má, vì lo lắng mà tiều tụy, xơ xác chẳng kém gì mình. Nếu là người khác, hẳn đã từ mình rồi, nhưng bà thì không. Giận thì giận, nhưng má vẫn hết mực thương mình”.
Còn một điều nữa, L. phát hiện ra mình đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, từ những thứ không lành mạnh kia. Người ta thường đổ sụp khi phát hiện mình nhiễm HIV/AIDS, còn L. lại biết rằng, đã đến dừng lại tất cả, nếu không muốn thần chết ghé thăm trong một ngày rất gần.
Mẹ L. luôn từ chối nói về những tháng ngày lầm lỡ của con. Với bà, mọi thứ cần được xếp vào quá khứ |
Từ một con nghiện bị nhiễm HIV, L. trở thành một người tích cực trong Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng để kéo những người từng lầm lỗi như mình ra khỏi vũng lầy |
Từ những ngày tuổi trẻ lầm lạc, L. đứng dậy và làm lại cuộc đời. Dù đến tận bây giờ, cô vẫn phải sử dụng Methadone với liều lượng ít dần |
Theo Thanh Niên