Chiến tranh thương mại nổ ra, người TQ giằng xé trước "giấc mơ Mỹ"

Thứ hai, 20/05/2019, 09:17
Giờ đây, người Trung Quốc đang dần vỡ mộng về 'giấc mơ Mỹ', song họ cũng khó lòng tẩy chay văn hóa Mỹ - nền văn hóa vốn đã ăn sâu vào đất nước họ từ lâu.

Qi Haohan - một vũ công của đoàn Ba lê Quốc gia Trung Quốc, có thể say sưa nói về những điệu nhảy của mình và niềm say mê với các vũ công người Mỹ, những người đứng trên sân khấu ở Trung Quốc. Anh được coi là người có ảnh hưởng lớn đến Daniil Simkin, vũ công chính của Nhà hát Ba lê Mỹ.

Nhưng khi đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Qi, 25 tuổi, cho rằng sự ngưỡng mộ của anh với nước Mỹ đã tan biến.

"Phải chiến, chiến, chiến!", thanh niên Trung Quốc này viết trên mạng xã hội. Anh kêu gọi đất nước của mình đứng vững sau khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ bị đổ bể.

"Một quyết định của Mỹ về tăng mức thuế quan (lên hàng hóa Trung Quốc) có thể hủy diệt ngược lại họ", New York Times dẫn lời Qi nói. "Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả".

"Giấc mơ Mỹ" đang sụp đổ với người Trung Quốc

Theo New York Times, Qi Haohan chỉ là một trong vô vàn người trẻ đang bị dập tắt "giấc mơ Mỹ", họ chọn coi chủ nghĩa dân tộc là trên hết. Đây cũng là quan điển của đa số người dân Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang hứng các lệnh tăng thuế từ Washington.

Thái độ như vậy đối lúc khiến Bắc Kinh khó khăn trong xử lý mối quan hệ ngày càng trầm trọng với Washington. Nếu họ quá dè dặt thì vai trò của đảng lãnh đạo trong mắt người dân sẽ bị hạ thấp.

Một quán Starbucks ở Bắc Kinh. (Ảnh: The New York Times).

Nhiều người Trung Quốc từng xem nước Mỹ như một "nguồn cảm hứng", với những tòa nhà chọc trời lấp lánh, nguồn lực tài chính dồi dào và sức mạnh quân sự vô song. Nhưng họ cũng ngày càng coi Mỹ là một đối thủ chiến lược - quan điểm trỗi dậy bởi "niềm tự hào Trung Quốc", và cũng bởi các cơ quan tuyên truyền của đảng từ lâu đã mô tả nước Mỹ là quốc gia thù địch, là "đế quốc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc".

"Hiện tại, Trung Quốc có tâm lý số 2 (bài Mỹ)", Yun Sun, một nhà phân tích Trung Quốc từ trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson (trụ sở tại Washington). "Tâm lý số 2 đến tự nhiên khi họ muốn vượt qua số 1 (thân Mỹ)".

Tại Trung Quốc, ý kiến công chúng cũng được giám sát cẩn thận. Nếu các nhà lãnh đạo đẩy thông điệp "bài Mỹ" đi quá xa, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chủ nghĩa dân tộc vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này sẽ hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc trong bàn đàm phán với Mỹ.

Bài toán khó của Bắc Kinh

Theo New York Times, mặc dù chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, họ vẫn quan ngại sâu sắc nếu bế tắc kéo dài, vì việc này có thể gây ra thiệt hại nặng nề tới đời sống người dân. Cuối cùng, việc này sẽ ảnh hưởng uy tín của chính quyền, vì lời cam kết "tăng trưởng kinh tế liên tục" cần được đảm bảo.

Người Trung Quốc từ lâu đã ngưỡng mộ Mỹ nhưng giờ đây họ đã nhìn nhận nhiều vấn đề rõ ràng hơn. (Ảnh: AP).

Văn hóa Mỹ đã ăn sâu vào Trung Quốc đến nỗi các chuyên gia cho rằng không thể "tẩy chay" nó.

Mặt khác, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động quá thận trọng, họ có thể bị "xa rời trong mắt quần chúng".

Người Trung Quốc đang dần thức tỉnh khỏi "giấc mơ Mỹ", nếu không nói là hoàn toàn vỡ mộng, vì họ đã hiểu rõ hơn về Mỹ và các vấn đề của nó.

Theo khảo sát toàn quốc mới nhất được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2016, 45% người Trung Quốc coi sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với đất nước họ, con số này tăng so với 39% vào năm 2013. Ngoài ra, hơn một nửa số người Trung Quốc được khảo sát tin rằng Washington đã cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh trở nên hùng mạnh như họ.

Niềm tin của người Trung Quốc đang được củng cố bằng cuộc chiến thương mại kéo dài trong suốt một năm qua và tiếp tục gia tăng căng thẳng. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc - Huawei đang vướng vào các tranh chấp với Mỹ trong bối cảnh leo thang căng thẳng.

Mỹ cũng thắt chặt các hạn chế về thị thực dành cho sinh viên và học giả Trung Quốc, các biện pháp mà Washington cho là nhằm kiềm chế hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp.

Ngọn lửa "chống Mỹ" có một lần nữa bùng lên?

Những động thái trên củng cố quan điểm của người Trung Quốc rằng Mỹ đang cố gắng cản trở đất nước họ, khiến Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "đánh trả".

"Chúng tôi không sợ. Trung Quốc có tiền", Amanda Lin, 36 tuổi, nói khi cô nhấm nháp ly Americano tại một quán Starbucks ở Bắc Kinh. Cô cho biết công ty sản xuất Trung Quốc mà mình làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt thuế quan mới nhất.

"Có lẽ chúng ta phải hy sinh một chút trong thời gian ngắn, nhưng nếu chúng ta không chiến đấu, thì chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều hơn trong dài hạn", cô nói.

Một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh. (Ảnh: The New York Times).

Nhiều người Trung Quốc vẫn chưa nguôi ngoai phẫn nộ khi Mỹ vô tình ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999, trong cuộc chiến tranh Nam Tư. Vụ đánh bom khiến 3 người Trung Quốc thiệt mạng, kéo theo nhiều ngày biểu tình dữ dội. Hai năm sau, căng thẳng lại bùng lên khi Trung Quốc bắt giữ một phi hành đoàn của Hải quân Mỹ sau khi một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ va chạm trên không.

Chen Chun, nhà bình luận chính trị tự do ở thành phố Quảng Châu, phía Nam Trung Quốc, cho biết gần đây ông đã được mời tham gia một cuộc họp với các quan chức an ninh địa phương và bị nhắc nhở nên có giọng điệu ôn hòa hơn trong các bài viết của mình.

"Họ nói rằng người Trung Quốc dễ bị xúi giục và cảm xúc này có thể trở nên thực sự phức tạp", ông Chen nói.

"Mặt khác, chính quyền muốn sử dụng chủ nghĩa dân tộc", ông nói thêm. "Tuy nhiên, nếu những người theo chủ nghĩa dân tộc vượt khỏi tầm kiểm soát, nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của họ và sự ổn định của hệ thống".

Khó lòng tẩy chay văn hóa Mỹ

Các chuyên gia cho rằng văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc vào Trung Quốc đến mức không thể tẩy chay các sản phẩm của nước này như Trung Quốc từng làm với hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi căng thẳng với các quốc gia này tăng cao.

Nhiều người Trung Quốc yêu thích iPhone và tôm hùm của họ được nhập khẩu từ Boston, họ cũng là fan hâm mộ các loạt phim truyền hình Mỹ như “House of Cards” và “Modern Family.”

Người Trung Quốc dành sự ngưỡng mộ to lớn với hệ thống giáo dục, luật pháp và quyền lực mềm của Mỹ.

"Giấc mơ Mỹ có nghĩa là làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu của bạn từng bước một", anh Kobe Liu Zhe, 29 tuổi, fan hâm mộ siêu sao bóng rổ Mỹ Kobe Bryant ở thành Cáp Nhĩ Tân, nói. "Kobe Bryant đại diện cho giấc mơ đó".

"Giấc mơ Mỹ" từng là ước mơ của nhiều người Mỹ.

Chưa hết, xứ cờ hoa cũng là một điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này cũng chậm lại từ năm 2016.

Ông Liu Peng, nhà tư vấn giáo dục ở thành phố Thanh Đảo, cho biết: "30 năm trước, rất nhiều người nghĩ rằng đi đến Mỹ giống như lên thiên đường. Tuy nhiên, bây giờ mọi người nghĩ rằng Mỹ đang tụt lại phía sau trong khi Trung Quốc đang lớn mạnh".

Các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh kéo dài với Mỹ ngay cả khi đạt được các thỏa thuận thương mại.

Wang Xiaodong, một nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc, bày tỏ: "Thế hệ cũ của Trung Quốc vừa tôn trọng vừa sợ Mỹ, chúng tôi được dạy là người Mỹ vượt trội và chúng tôi là kẻ yếu. Tuy nhiên, quan điểm của giới trẻ Trung Quốc khác. Họ không tôn trọng Mỹ, họ cũng không sợ Mỹ".

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích