Một số nguyên tố đất hiếm. Tên gọi đất hiếm xuất phát từ quy trình tinh chế phức tạp và đắt đỏ của chúng - Ảnh: AFP
Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ cao như chế tạo vật liệu siêu bán dẫn.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần dọa tăng thuế nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Những lời đe dọa này đã trở thành "võ mồm" cho đến thời điểm hiện tại, bởi lẽ từ những chiếc iPhone của Apple đến các hệ thống dẫn đường tên lửa đều có thành phần đất hiếm Trung Quốc.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một trong những quặng đất hiếm lớn nhất nước này vào ngày 20-5 được xem là một tín hiệu cảnh cáo ngầm đến Mỹ.
Tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một trong những người được ông Tập tin tưởng nhất và là gương mặt quen thuộc trong các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thời gian qua.
Trong khi đó, Mountain Pass, mỏ khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ tại bang California, hiện lại đang nằm trong tay của một công ty Trung Quốc.
Tất cả đất hiếm khai thác ở Mỹ phải được chở về Trung Quốc để tinh chế thì mới có thể sử dụng. Năm 2018, có đến 59% lượng đất hiếm sử dụng ở Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhật Bản được xem là minh chứng rõ nhất khi người ta muốn nói về hậu quả của việc phụ thuộc đất nước Trung Quốc.
Năm 2010, khi Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông, Trung Quốc tìm cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật bằng cách đặt hạn ngạch, siết việc cấp phép và tăng thuế.
Điều này khiến ngành công nghiệp điện tử của Nhật gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra động lực để các nhà khoa học, địa chất nước này tìm kiếm nguồn cung thay thế, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa Patriot của quân đội Mỹ - Ảnh: REUTERS
17 nguyên tố đất hiếm có thể tìm thấy được nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam với trữ lượng ước tính 120 triệu tấn. Mỹ từng là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới cho đến khi Trung Quốc nhảy vào thị trường này.
Nam châm vĩnh cửu là ngành sử dụng đất hiếm nhiều thứ hai sau chế tạo thủy tinh, theo báo South China Morning Post của Hong Kong. Chúng có thể được tìm thấy trong các ổ đĩa cứng, động cơ thu nhỏ, loa và tai nghe, loa điện thoại thông minh, tuôcbin điện hay máy phát điện.
Một số nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong hệ thống tên lửa Patriot trứ danh của Mỹ để điều khiển các tín hiệu rađa và tên lửa. Những vật dụng hằng ngày mà chúng ta thấy như tivi màn hình phẳng, cũng có đất hiếm.
Các mỏ khai thác và tinh chế đất hiếm tại 9 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc đã giúp nước này vươn lên vị trí số 1, chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới.
Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 120.000 tấn đất hiếm, chiếm 71% sản lượng toàn cầu, theo thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ.
Sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm Trung Quốc như hiện nay, do vậy được xem như một lá bài mà Bắc Kinh có thể rút ra trong cuộc chơi với Washington.
Theo TTO